Truy tìm xe quá tải được “chống lưng”Đoàn công tác của Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) những ngày cuối tháng 12/2017 do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện đích thân dẫn đầu liên tục xuất phát, mai phục trên nhiều tuyến đường xuất hiện lưu lượng xe quá tải cơi nới thành thùng lưu thông như Phạm Văn Đồng, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, bắc Thăng Long – Nội Bài...
Đơn cử, từ 20 giờ ngày 26/12, đoàn công tác đã mai phục, bắt xe hàng loạt quá tảixuất phát từ đường Phạm Văn Đồng hướng đi cầu Thăng Long. Gần chục xe quá tải “hổ vồ” chở đất, đá, sắt thép có “ngọn” và cơi nới thành thùng xe nối đuôi chạy hàng dài đã bị bắt giữ. Tại chỗ, đoàn công tác dùng cân điện tử kiểm tra tải trọng các xe BKS 29C - 809.93, 29C - 804.46, 90C - 060.79…
Xe qua tải tàn phá đường cần phải xử lý dứt điểm. |
Khi bị bắt, các lái xe đã liên tục “cầu cứu” bằng điện thoại, không hợp tác. Trước thái độ kiên quyết của đoàn công tác, các xe quá tải mới chịu cân xe và xuất trình giấy tờ. Qua kiểm tra, các xe đều quá tải từ 50 – 100%. Đáng chú ý là trên các xe quá tải này đều có logo riêng cho thấy sự “chống lưng’ của các doanh nghiệp chủ xe để ngang nhiên hoạt động.
Tất cả các xe này đều cơ nới thành thùng xe gấp 2 lần cho phép và các lái xe đều thừa nhận chở thuê quá tải, ký biên bản nộp phạt từ từ 33,5 - 93,5 triệu đồng theo quy định pháp luật.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, việc dán logo riêng như “LD”, “9999”, dán màu phản quang… để nhận biết chứng tỏ các xe này có dấu hiệu được “chống lưng”. Lực lượng “chống lưng” này chủ yếu là đội ngũ thực thi công vụ.
Giao công an điều tra bảo kê xe quá tải và phạt nguộiÔng Nguyễn Văn Huyện cho biết, tất cả xe quá tải có dán logo riêng sẽ được chuyển danh sách đến Công an Hà Nội để điều tra hoạt động bảo kê. Thực tế này cho thấy công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường vành đai của Hà Nội có dấu hiệu bị buông lỏng. Vì địa bàn hoạt động đều không thể qua mắt được công an.
Trước đó, tình trạng xe quá tải hoạt động ngang nhiên trên các tuyến đường dịp giáp Tết đã khiến Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc Công an thành phố sớm điều tra, kết luận, xử lý và báo cáo kết quả thực hiện.
Thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 3 năm thực hiện xử phạt xe quá tải, 2/3 số trạm của các địa phương đã vào cuộc, kết hợp với thanh tra xử lý xe vi phạm. Tỉ lệ xe quá tải đã giảm được khoảng 90%, nhưng 10% còn lại vẫn nhức nhối, gây bức xúc dư luận, tàn phá hạ tầng. Thậm chí, nhiều xe tại nhiều địa phương còn vượt tải tới 300 – 400%. Nếu không xử lý triệt để, tình trạng đường xuống cấp sẽ ngày càng nghiêm trọng, chưa kể đến tình trạng mất an toàn giao thông.
Đối phó với thực tế này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại các trạm thu phí, cửa ngõ ra vào các địa phương để phạt nguội và thông báo cho các địa phương, đơn vị đăng kiểm.
“Các tỉnh, thành phố cần yêu cầu các mỏ vật liệu, cảng biển, cảng cạn, đường vành đai trên địa bàn đặt cân tự động trước khi xuất hàng để lấy số liệu trích xuất chuyển về Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Qua số liệu này có thể theo dõi chặt tình trạng tải trọng xe, khối lượng xe khi xuất bến cũng như ở bãi hàng. Việc này đã được nhiều địa phương áp dụng rất hiệu quả”, ông Huyện cho hay.