Bà Nguyễn Bích Vượng, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Tài chính vi mô và phát triển cho biết: "Dự án đào tạo nghề cho thanh niên Hà Nội do Quỹ Citi tài trợ, Trung tâm M&D phối hợp với một số tổ chức, đơn vị dạy nghề có uy tín và kinh nghiệm cùng với sự tham gia của một số tổ chức đoàn thể ở cơ sở thực hiện từ giữa năm 2015 đến nay. Dự án đã hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 32 và được lựa chọn từ các huyện ngoại thành Hà Nội giúp các em có điều kiện tiếp cận cơ hội việc làm, tăng thu nhập, hướng tới phát triển sinh kế bền vững".
Hoạt động dự án đã góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của thanh niên Hà Nội, hạn chế tỷ lệ lao động trẻ bị thất nghiệp, phải di dân ra đô thị và các vùng miền khác để kiếm sống. Đến nay, dự án đã tổ chức 78 lớp đào tạo nghề cho gần 2.500 thanh niên. Dự án được triển khai tại 14 huyện và 1 quận gồm Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ và quận Long Biên.
Dự án ưu tiên vào tổ chức các lớp truyền nghề, đào tạo 12 nghề với phần lớn là các nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, một số lớp đào tạo may xuất khẩu, chế biến món ăn cũng được tổ chức đáp ứng nhu cầu của địa phương và nhu cầu học nghề của thanh niên trong giai đoạn đầu của dự án khi diện tích vùng ngoại thành Hà Nội bị thu hẹp, lao động phải di dân ra các vùng khác để kiếm sống.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đánh giá: Dự án do Trung tâm M&D triển khai giúp thanh niên học nghề có việc làm. Các nghề đào tạo thuộc dự án đa phần là nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch, quảng bá hình ảnh nghề truyền thống Việt Nam ra thế giới, đồng thời phát triển kinh tế tại địa phương mang ý nghĩa xã hội lớn.
Theo Trung tâm M&D, dự án giai đoạn III triển khai từ 11/2021 đến 10/2022, đã tổ chức được 10 lớp với 296 học viên từ 18 đến 20 tuổi tại 4 huyện ngoại thành Thường Tín, Đông Anh, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Bảy nghề truyền thống được đào tạo là: Thêu tay truyền thống, mây tre đan, sơn mài, chế biến gỗ mỹ nghệ, nghề đan lưới đánh bắt cá, nghề may xuất khẩu, nghề chế biến món ăn chay.
Cùng với đào tạo nghề cơ bản, dự án có lớp đào tạo nâng cao, khởi sự kinh doanh; đồng thời, dự án tổ chức 7 lớp tập huấn quản lý tài chính, kỹ năng bán hàng, bán hàng online….
Kết thúc dự án có 85% học có việc làm ngay khi kết thúc lớp đào tạo với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng; đồng thời, dự án hình thành 3 nhóm khởi nghiệp thêu; 3 nhóm khởi nghiệp mây tre đan; 1 nhóm khởi nghiệp món ăn chay.
Bà Nguyễn Thị Kiều Chinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thường Tín, một trong những đơn vị triển khai dự án đánh giá: "Dự án đào tạo nghề cho thanh niên mang lại hiệu quả khi thanh niên được đào tạo nghề, có việc làm. Từ thực tế triển khai, tôi mong muốn dự án hỗ trợ học viên trang thiết bị, nhất là với nghèo có hoàn cảnh khó khăn để họ duy trì việc làm bền vững sau khi học nghề".