Theo đó, 5 hiệp hội gồm: Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch; Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc vừa gửi văn bản bày tỏ trông chờ việc sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09). Bởi từ tháng 1/2024, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để trình Chính phủ trong quý III/2024. Tuy nhiên, dù đã sang quý III vẫn chưa có dự thảo sửa đổi nghị định này để họ có thể góp ý xây dựng.
Suốt 7 năm qua, các hội, hiệp hội doanh nghiệp - đại diện cho nhiều ngành hàng chế biến thực phẩm chủ lực của Việt Nam đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan, chỉ ra những điểm bất hợp lý về quy định này. Cụ thể, tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 6 “Muối… dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (với mục đích là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng).
Các hiệp hội, ngành hàng thực phẩm đã có báo cáo kèm dẫn chứng chỉ rõ quy định là bất cập, đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro; thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu; gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp vì yếu tố công nghệ (trong chế biến thực phẩm); hay vấn đề gây “cường giáp” đối với đông đảo người dân sống tại ven biển và các thành phố khi bị “thừa i-ốt” mà không có các lựa chọn.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyện bắt buộc bổ sung i-ốt vào thực phẩm chế biến sẽ dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, tốn chi phí khi phải tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm. Chưa kể, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt, khiến cho doanh nghiệp phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới có thể xuất đi được. Hoặc như với quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm, khiến cho các doanh nghiệp thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu, trong khi các nước xuất khẩu bột mì lại không có quy định như vậy.
Từ những bất cập nói trên, bà Lý Kim Chi cho biết, ngày 2/7 vừa qua, các hiệp hội đã gửi văn bản đến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế để bày tỏ mong đợi và trông chờ vào việc sửa đổi, tiến độ sửa đổi một số nội dung thuộc Nghị định 09/2016/NĐ-CP. Điều mong mỏi của các doanh nghiệp trong lúc này là khâu chính sách cần sửa đổi những quy định trái khoáy, cân nhắc mức thuế suất phù hợp hơn để giúp cho doanh nghiệp có thể yên tâm sản xuất kinh doanh.