Ông Nguyễn Văn Thảo chia sẻ, gia đình ông nhận khoán diện tích đất là 6.400m2 từ Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương để trồng cây ăn quả từ năm 2017. Do không hiểu biết về pháp luật nên ông đã xây một căn nhà để đồ đạc và chăm sóc cây cối. Đồng thời, vị trí xây dựng ở vị trí khuất nên trong suốt một thời gian dài cơ quan chức năng không phát hiện để ngăn chặn kịp thời. Chỉ khi công trình xây lên cao thì cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành lập biên bản, vận động gia đình phá dỡ.
Ông Bùi Đoàn Thể, Giám đốc Ban quản lý rừng tỉnh Hải Dương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện được 5 trường hợp xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp trồng cây ăn quả; thậm chí có những hộ đã xây thành căn nhà kiên cố, đổ mái bằng … Trước các vi phạm, Ban quản lý rừng tỉnh đã cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để các hộ dân hiểu biết về quy định của pháp luật và đều tự tháo dỡ các công trình vi phạm.
Hiện Ban quản lý rừng tỉnh đang quản lý 8.000 ha rừng các loại trên địa bàn; trong đó, có hơn 5.000 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 500 ha đất nông nghiệp trồng cây ăn quả có nguồn gốc là đất ở các lâm trường đã chuyển đổi.
Theo ông Thể, hiện có hơn 1.000 hộ dân nhận khoán đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả và các vi phạm là xây dựng các công trình kiên cố trái phép đều diễn ra trên loại đất này. Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng do địa hình các hộ ở vùng sâu, vùng xa, các hộ dân xây dựng lén lút trong khi đó lực lượng của Ban thì mỏng nên việc phát hiện, xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Để ngăn chặn các vi phạm này, bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, đã chỉ đạo Ban quản lý rừng tăng cường công tác kiểm tra và phối hợp với chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhất là những hộ dân nhận khoán đất nông nghiệp để trồng cây ăn quả.
Sau khi xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát để tránh các hộ dân tái phạm do các diện tích đất này đều ở các vị trí vùng sâu, vùng xa. Ban quản lý rừng cũng tiến hành ký cam kết được với khoảng 80% các hộ dân nhận khoán đất nông nghiệp trồng cây ăn quả gồm không xây dựng nhà trái phép, không làm biến dạng đất, không tự ý chuyển đổi cây trồng….
Bà Hà cũng khẳng định, nếu các hộ dân cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu lại hợp đồng và thu lại đất. Để đảm bảo đời sống cho người dân, ngành nông nghiệp cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các diện tích đất nông nghiệp trồng cây ăn quả đã giao khoán và hướng dẫn người dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp cho năng suất và giá trị cao trên thị trường.