Số ca nhiễm mới của cả nước giảm
Tính từ 16 giờ ngày 26/12 đến 16 giờ ngày 27/12, Việt Nam ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 5 ca nhập cảnh và 14.867 ca ghi nhận trong nước (giảm 315 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 10.418 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.666.545 ca nhiễm. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.660.900 ca, trong đó có 1.256.797 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 27/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 11.374 ca, tổng số ca được điều trị khỏi là 1.259.614 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.636 ca, trong đó có 19 ca đang chạy ECMO.
Từ 17 giờ 30 ngày 26/12 đến 17 giờ 30 ngày 27/12 ghi nhận 204 ca tử vong.
Hà Nội công bố 1.948 ca F0
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 26/12 đến 18 giờ ngày 27/12, Hà Nội ghi nhận 1.948 ca F0; trong đó có 658 ca tại cộng đồng; 1.113 ca tại khu cách ly; 177 ca tại khu phong tỏa.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (296); Đống Đa (182); Thanh Trì (136); Thanh Xuân (136); Bắc Từ Liêm (120); Cầu Giấy (117); Gia Lâm (109); Ba Đình (90); Thường Tín (90).
Bệnh nhân phân bố tại 335 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 658 ca cộng đồng ghi nhận tại 210 xã phường thuộc 30/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai (117); Thanh Xuân (55); Thanh Trì (54); Gia Lâm (52); Cầu Giấy (49); Long Biên (42); Ba Đình (34); Nam Từ Liêm (30); Thường Tín (26); Đống Đa (23).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 41.357 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 14.991 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 26.366 ca.
TP Hồ Chí Minh: Sau 2 tuần học trực tiếp đã phát hiện 47 F0 trong trường học
Chiều 27/12, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 2 tuần thí điểm học trực tiếp, tính đến ngày 23/12, TP Hồ Chí Minh phát hiện 47 trường hợp F0 trong trường học ở 15 quận, huyện.
Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong số 47 trường hợp F0 được phát hiện có 40 F0 là học sinh và 7 F0 là giáo viên. Những trường hợp F0 này đều đã được xử lý theo quy trình và đã được thông báo rõ ràng cho tất cả phụ huynh học sinh nên phụ huynh rất an tâm để cho học sinh tiếp tục đến trường.
Theo ông Phạm Đức Hải, hiện nay, việc dạy và học vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra và học sinh lớp 9, lớp 12 vẫn tiếp tục đến trường.
Về phương án dạy học tiếp theo, ông Phạm Đức Hải cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã báo cáo với Thường trực UBND Thành phố. UBND Thành phố đang xem xét công bố kế hoạch học tiếp theo theo khối lớp và thời gian trong thời gian sớm nhất.
Tin giả về ca mắc COVID-19 mang biến thể Omicron
Trước thông tin về một trường hợp có giấy xác nhận tái dương tính với SARS-CoV-2 và nhiễm biến thể Omicron được thực hiện tại Bệnh viện FV, ngày 27/12, Bệnh viện FV khẳng định đây là thông tin giả và sẽ khởi kiện người nào đã lan truyền thông tin và tài liệu giả mạo này.
Sáng 27/12, trên mạng xã hội Facebook lan truyền một bản chụp “Giấy xác nhận dương tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR” với nội dung thông tin bệnh nhân tên “Lê Hoàng Duy Khang”, thực hiện xét nghiệm ở Bệnh viện FV và cho kết quả: “Tái dương tính với biến thể SARS-COV2-OMICRON tại Khoa xét nghiệm bệnh viện FV”. Trên giấy này có sử dụng tên và con dấu của Bệnh viện FV.
Trong sáng 27/12, Bệnh viện FV đã báo cáo nhanh với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về sự việc này, khẳng định giấy xác nhận này là giả mạo, cả về hình thức lẫn nội dung.
Bệnh viện FV không cấp “Giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR”, mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật RT-PCR” có mã QR xác thực cho riêng từng mẫu xét nghiệm.
Theo Bệnh viện FV, trong giấy xác nhận dương tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR giả mạo này còn thiếu và thừa nhiều thông tin không phù hợp với mẫu “Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 bằng kỹ thuật PCR” của Bệnh viện. Hiện tại, Bệnh viện chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm biến thể Omicron. Bên cạnh đó, trên hệ thống dữ liệu của Bệnh viện không có bệnh nhân nào tên là “Lê Hoàng Duy Khang”.
"Việc giả mạo tài liệu và lan truyền thông tin sai sự thật này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Bệnh viện FV mà còn gây hoang mang cho toàn thể người dân TP Hồ Chí Minh mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới của cả nước. Do đó, chúng tôi sẽ khởi kiện người nào cố tình tạo ra hoặc lan truyền thông tin và tài liệu giả mạo này", đại diện Bệnh viện FV cho biết.