Không quen mùi nước máy
Người dân quận Bình Tân sử dụng nước sạch sinh hoạt. Ảnh: TTXVN |
Dù được đầu tư đường ống và gắn đồng hồ nước 4 năm qua nhưng hộ ông
Trương Xánh (phường 8, quận Gò Vấp) chỉ sử dụng nước máy không quá 1 m3
mỗi tháng.
Ông Trương Xánh chia sẻ: “Vì đã quen sử dụng nước giếng trong
nhiều năm nên không chuyển hoàn toàn sang nước máy. Nếu nước giếng
nhiễm bẩn hoặc hư thiết bị lọc thì sử dụng nước máy. Nếu cúp điện không
bơm được nước máy lên bồn chứa thì vẫn có nước giếng để sử dụng”.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền (phường 8, quận Gò Vấp) dù đã được gắn đồng hồ nước từ lâu nhưng hoàn toàn không sử dụng nước sạch trong vòng hai năm nay.
Bà Thanh Tuyền cho biết: “Nhiều năm qua, gia đình tôi đã quen sử dụng nước giếng khoan; nước được bơm lên bồn có gắn thiết bị lọc để sử dụng trong sinh hoạt và ăn uống. Khi được vận động, gia đình tôi có thử chuyển sang sử dụng nước máy nhưng không quen với mùi của nước máy trong sử dụng nấu ăn, tắm giặt nên quay lại dùng hoàn toàn nước giếng. Gia đình tôi 4 người mà tất cả tiền điện trong sinh hoạt, bơm nước mỗi tháng chỉ tốn 300.000 đồng, nên thấy rất tiết kiệm chi phí khi sử dụng nước giếng”.
Trong khi đó, gia đình ông Trương Thanh Hảo (quận Gò Vấp) chỉ sử dụng 0,5 m3 nước sạch mỗi tháng trong ăn uống, mọi sinh hoạt còn lại trong gia đình đều sử dụng nước giếng khoan. Để đảm bảo chất lượng nước giếng, ông Thanh Hảo đầu tư bộ lọc 7 triệu đồng và 6 tháng thay thiết bị lọc một lần với kinh phí 400.000 đồng/lần.
Theo ông Hảo, vì vợ chồng ông có lương hưu thấp và phải chăm sóc hai người cháu cho con đi làm nên sử dụng vừa nước giếng, vừa nước máy để tiết kiệm chi phí.
Theo thống kê của công ty cấp nước, trên địa bàn phường 8, quận Gò Vấp, hiện có 2.500 hộ dân không sử dụng hoặc sử dụng rất ít nước sạch (dưới 4 m3/tháng) trong tổng số 5.900 đồng hồ nước trên địa bàn.
Công ty cổ phần cấp nước Trung An, đơn vị cung cấp nước sạch cho địa bàn quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn, cho biết đang đứng trước nguy cơ kinh doanh thua lỗ do có hơn 100.000 hộ dân không sử dụng nước sạch. Cụ thể, quận 12 có hơn 37.000 hộ không sử dụng hoặc sử dụng rất it nước máy, huyện Hóc Môn có 33.000 hộ và quận Gò Vấp là trên 30.000 hộ.
Trong khi đó, để hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân trên địa bàn các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, trong giai đoạn 2013 - 2016, Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã đầu tư hơn 1 triệu mét đường ống dẫn nước, 150 bồn chứa nước, hơn 200 đồng hồ tổng, trên 150.000 đồng hồ nước với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.
Nhà cung cấp 'cầu cứu' lên quận
Thi công, lắp đặt đồng hồ nước tại Khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Trước tình hình kinh doanh có nguy cơ thua lỗ do người dân tận dụng khai thác nước ngầm, ông Hoàng Thế Bảo, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn đề nghị hỗ trợ tuyên truyền người dân chuyển sang sử dụng nước sạch. Ủy ban nhân dân các địa phương này triển khai cho các xã, phường phổ biến đến người dân ở khu phố, tổ dân phố về kết quả xét nghiệm mẫu nước ngầm trên địa bàn, nguy cơ sụt lún diện rộng khi khai thác nước ngầm và các nguy cơ bệnh tật khi sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, ăn uống.
Theo ông Hoàng Thế Bảo, phần lớn các hộ sử dụng nước giếng khoan vì cho rằng sử dụng nước máy phải trả tiền còn dùng nước ngầm thì không tốn chi phí. Nhưng thực tế, để có nước ngầm, người dân phải sử dụng máy bơm nước, chi phí tiền điện trong việc bơm nước và đầu tư thiết bị lọc nước nhiều khi cao hơn chi phí sử dụng nước máy.
Công ty cổ phần cấp nước Trung An cũng đã đề xuất Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên cho phép tháo gỡ đồng hồ nước ở những hộ trên 3 tháng không sử dụng nước sạch, để người dân thay đổi thói quen sử dụng nước giếng, chuyển sang sử dụng nước sạch.
Bảo vệ nguồn nước ngầm
Tình trạng người dân khai thác và sử dụng nước ngầm không chỉ diễn ra ở các quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn mà xảy ra trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh với số lượng lớn.
Theo số liệu của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trong tổng số gần 1,3 triệu đồng hồ nước trên địa bàn Thành phố có hơn 100.000 hộ không sử dụng nước sạch và gần 140.000 hộ chỉ sử dụng 1 - 4 m3/tháng.
Đồng thời, theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường, khối lượng nước ngầm đang khai thác trên địa bàn khoảng 530.000 m3/ngày đêm, chiếm gần 1/3 khối lượng nước sạch mà người dân sử dụng mỗi ngày.
Qua số liệu của hai đơn vị này cho thấy khoảng 240.000 hộ gia đình và các doanh nghiệp đang khai thác, sử dụng nước ngầm với khối lượng 530.000 m3/ngày đêm.
Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước ngầm của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, 97% nước giếng khoan ở huyện Hóc Môn không đạt yêu cầu sử dụng trong ăn uống và sinh hoạt, trong đó hàm lượng Amoni cao hơn mức cho phép 16 lần, độ pH thấp hơn mức cho phép 3,75 lần. Trong khi đó, 100% nước giếng khoan ở quận Gò vấp không đạt yêu cầu sử dụng, đặc biệt hàm lượng sắt tổng cao hơn mức cho phép lên đến 4 lần.
Các nghiên cứu y tế về chất lượng nước ngầm cho thấy hàm lượng Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit, hai chất này khi vào cơ thể gây nên tình trạng methemoglobin (thiếu oxy trong máu), kết hợp với các axit amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine gây ung thư. Độ pH không đạt mức cho phép gây ra bệnh ngoài da và các bệnh về răng miệng.
Ngoài ra, hàm lượng sắt tổng cao hơn mức cho phép làm biến chất, thay đổi mùi vị thực phẩm, hư hỏng đồ dùng gia đình và gây ra các bệnh đường ruột, tiêu hóa.
Tại TP Hồ Chí Minh, lượng nước ngầm khai thác hơn 500.000 m3/ngày đêm làm mực nước ngầm bị hạ thấp, tạo thành một cái phễu rỗng, tiềm ẩn nguy cơ sụt lún diện rộng. Trước tình hình này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án “Lập bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh”.
Theo đó, sẽ cấm khai thác nước ngầm khu vực quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 và một phần huyện Nhà Bè. Tổng diện tích vùng cấm khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố rộng 195 km2; vùng hạn chế khai thác rộng 1.2 km2 và vùng được khai thác nước dưới đất rộng 572 km2 (chủ yếu phân bố ở các quận 12, Hóc Môn và Củ Chi).
Diện tích vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm phân bố ở khu công nghiệp, khu dân cư sử dụng nước ngầm lớn, những nơi có mực nước ngầm thấp hơn giới hạn cho phép, khu vực nước ngầm đã bị ô nhiễm nitơ với hàm lượng 7mg/l trở lên, có hiện tượng lún sụt mặt đất. Tại khu vực cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ điều tra hiện trạng khai thác nước ngầm và lập phương án trám lấp giếng khoan một cách khoa học.
Về giải pháp vận động người dân hạn chế sử dụng nước giếng, chuyển sang dùng nước sạch, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên, đề xuất: Các địa phương cần đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch; chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại sụt lún khi khai thác nước ngầm và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong việc sử dụng nước ngầm lâu dài.
Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên đã kiến nghị Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc hạn chế, cấm khai thác nước ngầm ở những khu vực đã được cung cấp nước sạch; ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh theo hướng kiểm soát khai thác nước ngầm nghiêm ngặt.
Đồng thời, cho phép Tổng Công ty thỏa thuận giá nước sạch theo cơ chế linh hoạt với nguyên tắc khuyến khích giảm khai thác nước ngầm đối với các khách hàng lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang mua sỉ nước sạch nhưng vẫn sử dụng nước ngầm. Theo đó, giá nước được tính giảm tương ứng với tốc độ giảm khai thác nước ngầm, tăng sử dụng nước sạch trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn nước.