Triển lãm trưng bày, giới thiệu đến công chúng 180 tác phẩm tiêu biểu của 165 tác giả, đến từ 9 tỉnh, thành phố gồm: Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Phú Yên, Đà Nẵng và Đắk Lắk. Các tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật đánh giá cao về nội dung, hình thức, phong phú về đề tài, đa dạng về chất lượng, gồm các chuyên ngành hội họa, đồ họa, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng… Đặc biệt, nhiều tác giả trẻ có tác phẩm giàu sức sáng tạo, phản ánh hiện thực cuộc sống sinh hoạt và các vấn đề xã hội đương đại, phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật triển lãm cho biết, triển lãm lần này nhằm đánh giá lại lực lượng sáng tác, diện mạo tác phẩm, khuynh hướng sáng tác, chất lượng hình ảnh mà các tác giả thể hiện. Các tác phẩm có đề tài phong phú, nhiều cách biểu đạt khác nhau, thể hiện được hình ảnh biển - rừng - núi - sông và cuộc sống cùng nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Điều đặc biệt là triển lãm thu hút nhiều họa sỹ trẻ tham gia, đây là lực lượng sáng tác nhạy bén, sáng tạo, có tính kế thừa cao, mang đến nhiều tác phẩm đẹp. Tuy nhiên, triển lãm vẫn còn thiếu các tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại. Hy vọng rằng, các triển lãm sau sẽ có những loại hình tác phẩm mới mẻ hơn với những góc nhìn mới, ý tưởng phong phú hơn.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho biết, tỉnh hiện có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 36%. Văn hóa truyền thống của các dân tộc đa dạng, phong phú với nhiều nghi lễ, lễ hội. Trong đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “thành phố cà phê của thế giới”.
Đây là lần thứ 5 tỉnh Đắk Lắk đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk hy vọng, triển lãm sẽ để lại dấu ấn đẹp trong lòng công chúng và góp phần phát triển lĩnh vực mỹ thuật của khu vực và toàn quốc. Đây cũng là dịp để các họa sỹ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trải nghiệm, tìm hiểu ẩm thực, phong cảnh, bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 21/8.
Dịp này, Ban Tổ chức trao 1 giải B, 3 giải C, 6 giải Khuyến khích của Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật khu vực năm 2023 cho các tác giả đoạt giải. Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng bằng khen cho 2 tập thể, tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam cho 8 cá nhân; trao giải tác giả trẻ cho 2 cá nhân.