Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận Nghệ nhân Nhân dân cho 3 cá nhân, trao bằng công nhận Nghệ nhân Ưu tú cho 12 cá nhân trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể. Đây là những nghệ nhân tiêu biểu, có tài năng nghề nghiệp xuất sắc, đang nắm giữ, truyền dạy và có những cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết: Trong những năm qua, Bắc Giang rất coi trọng bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa nói chung, giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể nói riêng. Đến nay, Bắc Giang cùng với Bắc Ninh có dân ca Quan họ, cùng các địa phương khác có Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESSCO vinh danh; có 15 di sản được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; các lễ hội truyền thống được quan tâm bảo tồn, nhiều nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian được gìn giữ và phát huy. Năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những thành quả trên có được nhờ chính giá trị nội tại của di sản, đồng thời là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, đó là tâm huyết của các nghệ nhân ngày đêm miệt mài luyện tập, trao truyền, vượt qua khó khăn, đưa di sản thấm sâu vào cộng đồng, để giá trị của di sản dân tộc được thăng hoa và tỏa sáng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nông Quốc Thành, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa nói chung, Di sản Văn hóa phi vật thể nói riêng gặp không ít khó khăn do xu thế toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự du nhập của nhiều nền văn hóa; đội ngũ nghệ nhân nắm giữ di sản phần lớn đã cao tuổi, trong khi lớp nghệ nhân kế cận chưa nhiều; cơ chế, chính sách liên quan đến đãi ngộ đối với nghệ nhân, câu lạc bộ văn nghệ truyền thống còn nhiều bất cập, hạn chế...
Ông Nông Quốc Thành đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục có những việc làm cụ thể, thiết thực trong việc gìn giữ và phổ biến những giá trị đặc sắc của các loại hình Di sản Văn hóa phi vật thể. Bắc Giang cũng cần có những cơ chế, chính sách nhằm tri ân, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng với các nghệ nhân, chủ thể của di sản; có các biện pháp tích cực để đưa Di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú tiếp tục lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả, trở thành hạt nhân trong việc nâng cao năng lực của cộng đồng với di sản, làm cho di sản thực sự có ý nghĩa với đời sống xã hội; tiếp tục tận tụy với công việc và phát huy giá trị đã được Nhà nước, xã hội công nhận, được quần chúng nhân dân mến mộ, tin tưởng.