Bài 1: Giúp người dân hiểu không gian văn hóa Hồ Chí Minh
TP Hồ Chí Minh tập trung lực lượng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ chính sách đến hiện thực nhằm giúp người dân, đảng viên có thể hiểu hơn về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam và đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động để người dân và các đảng viên noi theo.
Vấn đề mới, nội hàm rộng
Mới đây, trong buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở: “TP Hồ Chí Minh cần phát triển xứng đáng với niềm vinh dự là địa phương duy nhất của cả nước được mang tên của Người. Ðảng bộ Thành phố phải suy nghĩ làm sao để tên gọi trở thành động lực phát triển của Thành phố, trở thành thuộc tính văn hóa của Thành phố. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào từng người dân, trở thành một đặc thù của công dân TP Hồ Chí Minh”.
Từ niềm mong mỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như người dân cả nước, Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh quyết tâm biến di sản của Người, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tài sản của cán bộ và nhân dân, thể hiện trong phong cách lãnh đạo, trong lao động và học tập… Nhằm hiện thực mục tiêu ấy, Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh đưa vào Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 một nội dung quan trọng, đó là: Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ðây là điểm mới nổi bật trong văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Thành phố.
Với mục tiêu này, ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố phải làm sao để mỗi người dân khi đến TP Hồ Chí Minh, đều cảm nhận được không gian văn hóa với đặc tính riêng, độc đáo của thành phố mang tên Bác.
Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là vấn đề mới, nội hàm rộng nên phải làm sao để mỗi người dân, mỗi đảng viên đều cảm thấy dể hiểu và dễ thực hiện, chứ không thể nói chung chung, bao quát…. Để thực hiện nội dung này đòi hỏi, chúng ta cần thời gian dài, xuyên suốt không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn ở các nhiệm kỳ tới".
Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định xây dựng chương trình hành động về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới. Chương trình hành động thực hiện 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, trọng tâm là tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thành phố theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra.
Giai đoạn 2, từ năm 2025-2030, tập trung hoàn thành các công trình, chương trình trọng điểm như: Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh; nhà thi đấu Phan Đình Phùng; quy hoạch, đầu tư Khu liên hợp Thể dục - Thể thao Rạch Chiếc. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động không gian văn hóa Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người thành phố mang tên Bác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thọ Truyền cho rằng, các đơn vị cần linh hoạt khi áp dụng và tùy loại hình hoạt động của các đơn vị mà xây dựng không gian văn hóa phù hợp. Hiện chưa có tài liệu nào thể hiện rõ khái niệm về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, song qua quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh xác định không gian văn hóa Hồ Chí Minh là không gian văn hóa làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho mỗi người dân Thành phố tiếp thu và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn theo tinh thần và tấm gương Hồ Chí Minh.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TP Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian văn hóa có tác dụng như hệ sinh thái văn hóa với 4 yếu tố cấu thành, đó là môi trường phổ biến, truyền bá các giá trị văn hóa; là môi trường tiếp thu, hình thành giá trị văn hóa cá nhân; là môi trường thực hành các giá trị văn hoá; đó còn là môi trường đánh giá, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức về việc phổ biến và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, phê phán, chế tài các hoạt động trái văn hóa Việt Nam và vi phạm pháp luật.
Quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa
Là người luôn trăn trở với sự phát triển của Thành phố, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HÐND TP Hồ Chí Minh cho biết, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn là xây dựng những chương trình nghệ thuật phong phú, đặc sắc, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Người. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở thành phố này mà sẽ được quy hoạch, xây dựng thêm những công trình gắn với hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác, gắn với di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.
Theo ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, thành phố sẽ có đề án riêng về xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với chiến lược phát triển văn hóa Thành phố đến năm 2035. Ngành Văn hóa Thành phố đang tham mưu phương án triển khai xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Ðức). Nơi đây sẽ hình thành các công trình như Nhà sàn Bác Hồ, Ao cá Bác Hồ, Vườn cây "Ðại đoàn kết"...
Công trình này khi hoàn thành có quy mô, tầm vóc đặc thù của một quảng trường trung tâm, với không gian đậm dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, chính trị của thành phố hơn 10 triệu dân mà còn với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Hồ Chí Minh tiếp tục ra đời, trở thành niềm tự hào của nhiều văn nghệ sĩ sống ở thành phố mang tên Bác. Những vở kịch, cải lương như "Dấu xưa", "Tổ quốc nơi cuối con đường", hay những ca khúc dạt dào tình cảm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng đến nhiều hơn, gần hơn với công chúng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa cao đẹp.
Với quan điểm không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, vì vậy ThS Thạch Kim Hiếu, giảng viên Khoa Xây dựng Ðảng, Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự phát triển những giá trị tinh thần với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn so với phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn thực hiện trong phạm vi hệ thống chính trị mà còn lan tỏa trên mọi địa bàn dân cư; không chỉ diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trong con người Thành phố nói chung nhằm xây dựng những giá trị nền tảng tinh thần cốt lõi gắn liền với quá trình phát triển chung của Thành phố.
Theo đó, mỗi tổ chức cơ sở đảng phải thật sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ; mỗi cán bộ, đảng viên phải là hình ảnh cụ thể nhất, minh chứng cho sự truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp. Ngoài những chuẩn mực chung của người cán bộ, đảng viên thì mỗi người trên cương vị công tác của mình, mỗi việc làm và hành động trong công việc và cuộc sống cũng phải tiêu biểu cho sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chỉ như vậy, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh mới thực chất, có giá trị bền vững, mới trở thành sức mạnh nội sinh, tạo ra sự phát triển chung của Thành phố.
Chia sẻ về việc lan tỏa của không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thời gian qua, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện hữu ở trong mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn thành phố. Nhưng quan trọng hơn là tấm gương về Người luôn tồn tại ở trong tim mỗi người để học tập noi theo. Chính vì thế, trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, người dân ở thành phố mang tên Bác mong muốn tiếp tục chắt lọc những giá trị văn hóa và không ngừng tự hoàn thiện bản thân để có thể noi theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh phấn đấu hình thành những không gian văn hóa Hồ Chí Minh bồi đắp thêm nữa cho mỗi người dân Thành phố những giá trị đạo đức cao quý, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước hôm nay và mai sau, đặc biệt là tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam. TP Hồ Chí Minh tiếp nối truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn để khơi dậy sự khát vọng cống hiến của Thành phố, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thành phố mang tên Bác.
Bài 2: Đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến gần cuộc sống