Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ chính sách đến hiện thực:

Bài 2: Đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến gần cuộc sống

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay không gì khác hơn là làm cho những giá trị tinh thần của Bác Hồ hiện hữu trong cuộc sống đời thường. Vì vậy, tại TP Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chung, quan trọng trong thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 và đang được lan tỏa rộng rãi đến thực tiễn đời sống của người dân, đảng viên…

Chú thích ảnh
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Bắt đầu từ con người

Nhiều nhà quản lý tại TP Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh chính là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Ngoài chú trọng không gian văn hóa vật thể, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu phát triển mạnh mẽ văn hóa phi vật thể. Đó là phát huy vẻ đẹp truyền thống về đạo đức, nếp sống, phong tục, phong cách của người dân TP Hồ Chí Minh gắn với giá trị nhân văn của tinh thần học và làm theo Bác hiện nay.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Xây dựng cho biết, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm cho mỗi người dân TP Hồ Chí Minh tiếp thu và phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam hiệu quả hơn theo tinh thần và tấm gương Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, muốn làm được, Đảng bộ, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu nhiều chuyện kể về Bác, lan tỏa nhiều câu chuyện đẹp, hành động tốt trên tất cả các phương tiện truyền thông, các kênh mạng xã hội, làm sao để mỗi khi người dân các địa phương khác, bạn bè quốc tế đến với thành phố cũng phải cảm nhận được một không gian văn hóa Hồ Chí Minh gần gũi. Ở đó, cuộc sống hàng ngày không xảy ra các tệ nạn xã hội, không bị chèo kéo, chặt chém khi du khách đến các khu du lịch, di tích cách mạng,…

Còn theo bà Trần Thị Ngọc Trinh, Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Giao thông Vận tải, muốn xây dựng bất cứ điều gì cũng nên bắt đầu từ con người. Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần hướng đến mục tiêu thay đổi phong cách làm việc của cán bộ nhà nước thì người dân sẽ được lợi nhiều hơn. Cán bộ cần học Bác, làm việc hết mình, tận tụy cống hiến, làm trước tiên vì dân thì sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề hiện nay. Cần tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh thiếu nhi TP phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của thành phố.

Mặt khác, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đi vào cụ thể. Mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cơ quan, đơn vị phải thực sự là một không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Từng cơ quan, đơn vị phải nhận thức và ý thức được điều này để cùng nhau tham gia, góp phần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ những việc nhỏ nhất là lời nói, việc làm, giao tiếp ứng xử, giao lưu.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là một vài bức tượng ngoài không gian công cộng, không chỉ là những tác phẩm văn học nghệ thuật, những câu khẩu hiệu tuyên truyền mà là tổng hòa nhiều yếu tố về lối sống, phong cách, ứng xử nghĩa tình hướng đến hình thành lối sống cao đẹp, đầy nhân nghĩa nơi con người thành phố, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh”, bà Trần Thị Ngọc Trinh nhấn mạnh.

Hình thành nhiều công trình văn hóa Hồ Chí Minh

Trong thời gian qua, không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã và đang từng bước hiện hữu trong cuộc sống, được cụ thể hóa bằng những công trình. Sớm nhất là công trình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 với các nội dung về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác gắn với hoạt động sưu tầm hình ảnh của Bác tại các nước, những mẩu chuyện về Bác. 

Tương tự, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cơ quan Quận ủy Quận 10; không gian triển lãm cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung tâm Văn hóa Hòa Bình cũng trở thành điểm nhấn, thu hút được nhiều người dân đến tìm hiểu.

Trong khi đó, tại Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đang hướng đến xây dựng bảo tàng tương tác thông minh, tiếp đó là không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng với hình thức song ngữ Anh - Việt, để kiều bào, người nước ngoài cũng có thể tiếp cận thông tin, tư liệu quý về Bác.

Còn tại đường sách TP đã có tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với số lượng trưng bày hơn 100 đầu sách. Độc giả đến với tủ sách sẽ tiếp cận được những trang sách, tài liệu quý về Bác vừa ở dạng sách truyền thống, vừa có phiên bản sách điện tử.

Chú thích ảnh
Các đơn vị tổ chức thi kể chuyện lúc sinh thời của Bác Hồ để cán bộ, đảng viên biết nhiều hơn về văn  hóa, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh. 

Thực tiễn trên cho thấy, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm, thực hiện hiệu quả của nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị trên địa bàn. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, thời gian tới, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải tiếp tục được tổng kết và làm sáng tỏ, để có cơ sở tin vào kết quả tốt đẹp của chủ trương, xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

GS.TS Võ Văn Sen, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, phải xác định rõ văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa hiện đại; là một trong những đỉnh cao, khá toàn diện của văn hóa Việt Nam cho đến hiện tại. Đồng thời, lưu ý xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nếu ở đâu cũng giống nhau, cũng quay về quá khứ sẽ rất nhàm chán.

“Văn hóa không phải là lịch sử mà là đời sống tinh thần của cả hiện tại. Mỗi một nơi có một đặc sắc riêng, do đó xây dựng không gian văn hóa cũng cần có bản sắc riêng. Ví dụ, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh giữ vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp giáo dục tư tưởng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực thì phải toát lên được tinh thần, giá trị Hồ Chí Minh. Cần xác định xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một mảng và phải thể hiện được giá trị giao lưu văn hóa Đông - Tây và có sự sáng tạo các giá trị mới”, GS.TS Võ Văn Sen nói.

Đồng quan điểm, ông Đào Tuấn Hậu, Trưởng Khoa Triết học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, cần làm rõ nội hàm không gian văn hóa Hồ Chí Minh là gì, xây dựng những vấn đề gì để từ đó có bản đồ quy hoạch xây dựng cho các cơ quan, đơn vị dựa vào thực hiện. Theo đó, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết phải đảm bảo tính khách quan của các giá trị, tính toàn diện và phải thiết thực, gần gũi với nhân dân.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thực sự có ý nghĩa khi kết tinh trong con người, trong thực hành đời sống. Việc xây dựng cần có tính sáng tạo, đảm bảo giá trị tính lịch sử, nếu không sẽ tạo ra tính rập khuôn và máy móc”, ông Đào Tuấn Hậu nhấn mạnh.

Bài 3: Nhân rộng các mô hình, nhân tố hay trong cuộc sống

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Algeria
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Algeria

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), ngày 18/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đã tổ chức lễ dâng hoa tưởng nhớ Người tại đại lộ mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô Algiers.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN