Hiểu lịch sử, hiểu về Bác Hồ
Một số trường học tiểu học, phổ thông tại TP Hồ Chí Minh đã xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường để dạy học và rèn luyện lòng yêu nước, tự hào dân tộc... cho học sinh. Theo đó, từ đầu năm học 2022 - 2023, phụ huynh đưa con đến Trường mầm non Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ đều thích thú với một không gian mới trong khuôn viên nhà trường. Đó là góc không gian văn hóa Hồ Chí Minh được chi bộ, tập thể giáo viên của trường xây dựng bằng cả tấm lòng yêu thương dành cho Bác…
Cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm, Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường mầm non Thạnh An cho biết, ngay từ khi có chỉ đạo của ngành giáo dục, Đảng ủy xã Thạnh An, Chi bộ nhà trường đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Chi bộ đã tổ chức hội nghị chuyên đề về “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh”. Các đồng chí đảng viên cùng nhau thảo luận, đưa ra ý tưởng, thống nhất nội dung, biện pháp để thực hiện tốt không gian văn hóa Hồ Chí Minh sao cho phù hợp tình hình thực tế tại Chi bộ, văn hóa địa phương.
“Tôi phải cân nhắc thực hiện các nội dung nào phù hợp với môi trường giáo dục mầm non cũng như xác định những khung hình chủ đề Bác Hồ với các em thiếu nhi treo ở sân trường. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải ở vị trí phù hợp cho tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phụ huynh, học sinh và người dân đều tham quan được. Tôi tin rằng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh này sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, phụ huynh, học sinh và người dân trên địa bàn xã; từ đó nâng cao nhận thức về giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hiểu biết sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác…”, cô Nguyễn Thị Hoàng Bích Thắm chia sẻ thêm.
Tương tự, tại Trường THCS Bình Chiểu (TP Thủ Đức), không gian văn hóa Hồ Chí Minh là khu vực hội trường được cải tạo lại nên rộng rãi hơn với khoảng 200 chỗ ngồi. Ngoài những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường còn nhấn mạnh đến hoạt động của Bác Hồ với thiếu nhi. Ở đây dành một không gian để kết nối với các di tích lịch sử, các địa danh tại TP Thủ Đức và trưng bày các sản phẩm mà học sinh Trường THCS Bình Chiểu thực hiện.
Cô Vũ Kim Vân, tổ trưởng bộ môn lịch sử Trường THCS Bình Chiểu cho biết, từ ngày trường tạo lập không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học sinh háo hức với môn lịch sử hơn và giáo viên dễ tạo cảm hứng học tập cho học sinh hơn trước. "Các em được đóng góp tranh, ảnh, hiện vật, sáng tác, kể những câu chuyện liên quan về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ nên háo hức lắm. Hình ảnh trực quan sinh động sẽ giúp trí tò mò của học sinh rộng mở, bài học dễ thấm, thú vị, chân thực hơn rất nhiều so với những tiết dạy thuần túy khác", cô Vũ Kim Vân bộc bạch.
Trong khi đó, theo cô Vũ Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng trưởng THPT Phước Long, TP Thủ Đức, việc xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh để là nơi rèn luyện, bồi dưỡng nếp sống đẹp và lành mạnh, có lý tưởng cho các thế hệ học sinh của trường. Hiểu về lịch sử ta càng thêm yêu lịch sử, hiểu về Bác càng thêm yêu Bác hơn. Qua đó, các em học sinh sẽ phát triển thành những đội viên tốt, sống tốt, hành động tốt, tránh xa những tệ nạn trong xã hội.
Hành trang cho giới trẻ
Hiện nay, để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với thanh thiếu nhi và người dân TP Hồ Chí Minh, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã tích cực xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng.
Em Đặng Văn Khoa, sinh viên Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Em cảm thấy rất may mắn khi sống, học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu những không gian văn hóa đậm nét gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tại trường em xây dựng trang web để chia sẻ và lan tỏa giá trị về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Người, đồng thời tổ chức các hội thi, tọa đàm. Chúng em cũng đề xuất các đơn vị khu vực trường học, công nhân lao động, địa bàn dân cư phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học liên quan đến xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ các chất liệu, bài báo khoa học, có thể sơ đồ hóa, xây dựng infographic các thông tin để tăng tính lan tỏa", sinh viên Đặng Văn Khoa chia sẻ.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Thu Dung, Bí thư Đoàn phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú cho biết, với tốc độ sử dụng công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội như hiện nay của người trẻ nên chị kỳ vọng Thành đoàn TP Hồ Chí Minh thực hiện kênh mạng xã hội riêng, nơi giới thiệu, chia sẻ các hoạt động Đoàn nói chung và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng để tiếp cận đoàn viên, thanh niên trẻ. Một khi phát huy được việc tuyên truyền học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh trên không gian mạng, nền tảng số sẽ góp phần lan tỏa nhiều hơn đến tầng lớp thanh thiếu niên trên địa bàn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học một cách có hiệu quả thiết thực, cần nhiều giải pháp thực hiện, trong đó thành phố đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học gắn với thường xuyên động viên học sinh, sinh viên nhận thức và thực hành việc học tập và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy (Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm).
Thông qua 5 điều Bác Hồ dạy là tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng. Theo thời gian đến nay, 5 điều Bác Hồ dạy đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó không những là mục tiêu, cách thức giáo dục tốt đẹp thiếu niên nhi đồng Việt Nam, là sự giáo dục toàn diện với mục tiêu xây dựng thế hệ trẻ có đủ đức, đủ tài, là tài sản tinh thần vô giá đối với thế hệ trẻ Việt Nam.
Đối với các trường học, việc phát triển văn hoá đọc gắn với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường, tăng sự hiểu biết, lòng biết ơn của học sinh về những tư tưởng tốt đẹp của Bác từ đó góp phần xây dựng niềm tin, lý tưởng cao đẹp trong lòng thế hệ trẻ. Ngoài ra, một trong những cách đơn giản và thiết thực đã được thực hiện là việc xây dựng tủ sách Bác Hồ trong nhà trường (lựa chọn danh mục sách có nội dung hay, hình thức đẹp để có tủ sách đa dạng và phù hợp với lứa tuổi của học sinh), để nơi đây trở thành điểm đến dễ dàng tiếp cận của học sinh. Từ đó, không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần hình thành những suy nghĩ, tình cảm và niềm tin tốt đẹp trong tâm thức của học sinh. Trên cơ sở đó, bồi đắp tình cảm, nâng cao hiểu biết, nhận thức về Bác Hồ cho thế hệ tương lai của đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian triển khai việc xây dựng không gian văn hóa về các trường học, các giá trị văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa và lan tỏa rộng khắp, hình thành và hướng dẫn các hệ giá trị tốt đẹp, tích cực trong học sinh. Đây chính là hành trang vững chắc cho giới trẻ cho việc học tập và thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong bối cảnh môi trường sống xung quanh tác động mạnh mẽ cuộc sống.
Bài cuối: Người dân TP Hồ Chí Minh học Bác tinh thần trách nhiệm và sáng tạo