Bà Sơn Thị Hiền, thuyết minh viên của Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh cho biết, những tháng gần đây, lượng khách đến tham quan Bảo tàng tăng mạnh do ngành Du lịch đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời ngày càng có nhiều người muốn tìm hiểu nét độc đáo về văn hóa của dân tộc Khmer Trà Vinh nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung. Từ tháng 4/2022 đến nay, Bảo tàng đón bình quân 500 lượt khách/ngày, đặc biệt lượng khách tăng vào những ngày cuối tuần và dịp lễ. Ngoài khách du lịch, Bảo tàng còn đón đoàn học sinh, sinh viên, khách nước ngoài tới tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Khmer.
Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh được khởi công xây dựng vào năm 1992, đến tháng 11/1997 chính thức đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Bảo tàng đang trưng bày gần 300 hiện vật gốc và gần 100 hiện vật phục chế, được chia thành 5 phòng trưng bày theo các chủ đề: Tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc; văn hóa cuộc sống đời thường, cách ăn, ở, bày trí vật dụng sinh hoạt trong gia đình; ngành nghề truyền thống như đan đát, dệt chiếu, dệt vải, chế tác mặt nạ, vẽ tranh trên kính, vải, lá…; phòng văn hóa tinh thần trưng bày bộ dàn nhạc, các vật dụng dùng cho nghệ thuật sân khấu, lễ hội... và phòng trưng bày theo chuyên đề về cuộc đấu tranh của những người con Trà Vinh trong hoạt động giữ nước, dựng nước.
Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh Lê Thành Vinh cho biết, tỉnh luôn chú trọng việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân. Mới đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiếp nhận trên 750 hiện vật của 39 nhà sưu tập, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng, thể hiện đời sống văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỉnh Trà Vinh hiện có 1 bảo vật quốc gia là ngẫu tượng Linga - Yoni. Bảo vật này được các nhà khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện trong quá trình khai quật di chỉ khảo cổ học Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú vào năm 1986, được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia năm 2016.