Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vừa được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự đánh giá về một giá trị văn hóa rất đặc sắc bao hàm trong tín ngưỡng này.
Thứ nhất, đây là một tín ngưỡng dân gian mang tính bản địa sâu sắc. Nhiều nước cũng có tục thờ Mẫu nhưng ở Việt Nam, thờ Mẫu không chỉ là thờ những hiện tượng thiên nhiên dưới hình thức của một người mẹ - mẹ núi, mẹ nước, mẹ rừng…, mà Mẫu đã được nhân thần hóa, với những người có tên, tuổi, quê quán; tức là chúng ta đã địa phương hóa, Việt hóa. Ngoài Mẫu ra còn những nhân vật lịch sử có thật cũng được thần thánh hóa để tôn thờ. Tất cả những điều ấy mang tính bản địa sâu sắc. Đây cũng là một ký ức lịch sử của dân tộc, đồng thời phản ánh được nhiều truyền thống văn hóa. Ví dụ như cách chúng ta quan niệm về cuộc sống như thế nào qua những bài chầu văn.
Thứ hai, thông qua tất cả các thực hành như: nghi lễ, múa hát chầu văn, hay trang phục… thể hiện rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam . Thậm chí, đó được coi là một bảo tàng “sống” về văn hóa Việt Nam, nói lên lối sống, cung cách sinh hoạt, ước vọng của xã hội Việt Nam. Các thực hành này cũng có hình thức diễn xướng âm nhạc, trang trí, kiến trúc đền, phủ mang tính bản địa của Việt Nam và được lưu truyền từ ngàn đời nay.
Bên cạnh đó, tín ngưỡng này dù mang tính bản địa sâu sắc nhưng lại dung nạp những nền văn hóa khác nhau. Đây cũng là một nhân tố thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Phóng viên: Theo bà, hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh có ý nghĩa như thế nào đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam ?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Thứ nhất, việc chúng ta làm hồ sơ này đã khơi dậy ý thức về giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thứ hai, đây là niềm tự hào của cộng đồng những người thực hiện sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu sâu, những người thực hành tín ngưỡng và cũng là niềm tự hào chung của người Việt… Đây còn là cơ hội để nâng cao ý thức, hiểu biết sâu sắc hơn trong nhân dân về giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, từ đó thấy rõ trách nhiệm phải bảo vệ giá trị văn hóa này của dân tộc, của toàn nhân loại.
Phóng viên: Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và khi xét duyệt, chúng ta có gặp khó khăn gì trong việc đề cử di sản này, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Hồ sơ “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được các chuyên gia đánh giá là một trong những hồ sơ tốt nhất. Tất nhiên chúng ta cũng gặp một chút khó khăn là phía xét duyệt đề nghị chúng ta đổi tên hồ sơ. Tên ban đầu là “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Họ đề nghị chúng ta đổi thành “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cho đúng với nội dung chúng ta đề cập trong hồ sơ hơn; tức là nhấn mạnh vào khía cạnh văn hóa, khía cạnh thực hành văn hóa của hồ sơ hơn là khía cạnh tôn giáo, đúng với tinh thần của Công ước UNESCO năm 2003 về Bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể.
Việc một di sản được UNESCO công nhận là công sức của rất nhiều cơ quan, đơn vị, của cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng thực hành tín ngưỡng. Họ đã duy trì, bảo tồn di sản từ đời này sang đời khác để ngày nay chúng ta được thừa hưởng. Tuy nhiên, để trình hồ sơ cần có những căn cứ khoa học, cần làm nổi bật những tiêu chí của UNESCO.
Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Nam Định - địa phương đã thay mặt cả nước đứng ra chủ trì hồ sơ, các chuyên gia thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng nhiều chuyên gia ở trong và ngoài nước, cộng đồng thực hành tín ngưỡng đã cùng nhau viết nên một hồ sơ rất chất lượng và đạt tiêu chí của UNESCO. Chúng tôi đã mang văn hóa này giới thiệu với các đoàn ngoại giao nước ngoài, với các chuyên gia, đặc biệt là chuyên gia của UNESCO, để thuyết phục họ về giá trị rất quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Phóng viên: Việt Nam hiện có 11 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tới đây ta có kế hoạch trình thêm di sản nào lên UNESCO, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoàng Mai: Trong năm 2017, chúng ta sẽ đề nghị UNESCO ghi danh “hát Xoan” từ danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp lên danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vì đến nay chúng ta đã làm tốt công tác bảo tồn và di sản này đã “sống” được. Tiếp đến là “Bài chòi”, chúng ta sẽ bảo vệ trước UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm tới nữa, chúng ta có kế hoạch đệ trình: hát Then, xòe Thái.
Trân trọng cảm ơn bà!