Phát biểu bế mạc Liên hoan, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan đánh giá: Trải qua 8 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Công chúng đã được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật: chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ với các nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dân gian, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện đại. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật đã khái quát hiện thực đời sống xã hội có ý nghĩa sâu rộng, những tấm gương chiến đấu, hy sinh gian khổ để giành lại độc lập tự do của quân và dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Sức hút của Liên hoan lần này được khẳng định khi đêm nào khán giả cũng chật kín khán phòng của Rạp Đại Nam, Rạp Công Nhân, Rạp Hồng Hà… Đó là liều thuốc tinh thần vô giá đối với các nghệ sỹ, giúp các nghệ sỹ say hơn, yêu nghề hơn và sẵn sàng cháy hết mình với nghề.
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các tác giả, đạo diễn, các thành phần sáng tạo và của đội ngũ diễn viên nhạc công tham dự Liên hoan lần này. Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, chào mừng kỷ niệm năm ngày giải phóng Thủ đô (1954 – 2022).
Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam hy vọng, các đơn vị nghệ thuật, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, các nghệ sỹ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp để có nhiều vai diễn xuất sắc phục vụ nhân dân và tham gia các kỳ liên hoan sau.
Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc gồm: Vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, vở “Vương quyền” - Vụ án Tống Thị Quyên của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội và vở “Trung Trinh liệt nữ” của Nhà hát Chèo Hà Nội.
4 Huy chương Bạc được trao cho các vở diễn: “Đêm trước ngày hoàng đạo” của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổ chức biểu diễn Song Việt; “Hoa cúc nhà trời” của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Hà Nội và “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam.
Ban Tổ chức cũng trao 4 giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc. Trong đó, riêng vở “Mưa đỏ” của Nhà hát Kịch nói Quân đội mang về 3 giải cá nhân xuất sắc gồm: Nhà văn Chu Lai – giải Tác giả xuất sắc, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Hùng giải Đạo diễn xuất sắc, họa sỹ Đặng Minh Tuấn giành giải Họa sỹ xuất sắc. Nghệ sỹ Hoài Anh giành giải Biên đạo múa xuất sắc (vở Trung trinh liệt nữ).
4 giải Nhạc công xuất sắc được trao cho các nghệ sỹ: Võ Thanh Liêm, vở “Vương quyền” - Vụ án Tống Thị Quyên (Chi hội biểu diễn Nghệ thuật Thăng Long – Hội Sân khấu Hà Nội; Bùi Tất Trọng, vở “Trung trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội); Phạm Hồng Tiếp vở “Bất tử với Thăng Long” (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Nghệ sỹ Ưu tú Phạm Hữu Vương vở “Sóng dựng Lô Giang” (Nhà hát Chèo Quân đội).
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc và tặng Bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất - Trần Bảo Khánh, vở diễn “Hà Nội thành phố của những ước mơ” của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.