Hàng năm, từ nguồn xã hội hóa, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng để gìn giữ những giá trị văn hóa này. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương, từ năm 2005, tỉnh đã kiểm kê, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội cổ truyền, tri thức dân gian, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian...
Hiện trên địa bàn tỉnh có 826 lễ hội được tổ chức hàng năm. Các nghi lễ, nghi thức và trò chơi dân gian truyền thống được thực hiện theo quy định với nhiều loại hình nghệ thuật tiêu biểu như hát ca trù, hát đối, trống quân, chầu văn, múa rối nước, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, diễn xướng hầu thánh... Đến nay, Hải Dương có 11 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh có 34 cá nhân được phong tặng và truy tặng Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú.
Tuy nhiên kinh phí dành cho công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn các công trình về văn hóa dân gian còn rất hạn chế. Lực lượng làm công việc này còn ít và phần lớn đều lớn tuổi. Ông Phạm Văn Tòng, Trưởng phường nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong, huyện Ninh Giang cho biết, Hải Dương có 3 phường múa rối nước, phần lớn đều là người cao tuổi.
Do hoạt động lĩnh vực này thu nhập thấp nên không thu hút được người trẻ. Những người còn giữ nghề chủ yếu là vì niềm say mê. Ông Phạm Văn Tòng mong muốn chính quyền các cấp tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ đào tạo lớp trẻ kế cận để nghệ thuật múa rối nước không bị mai một và ngày càng phát triển.
Tại lễ hội truyền thống mùa thu Kiếp Bạc hàng năm, Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tổ chức nhiều hoạt động diễn xướng dân gian truyền thống như diễn xướng hầu thánh, múa rối nước, hội quân trên sông Lục đầu. Những diễn xướng này được gìn giữ, bảo tồn và tổ chức thường xuyên. Hằng năm, Ban Quản lý Khu di tích phối hợp và hỗ trợ các đơn vị tổ chức về địa điểm, thiết bị, nhân lực, dựng sân khấu biểu diễn...
Ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích chia sẻ, những nghệ nhân biểu diễn đều cao tuổi, kinh phí hạn chế, chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ người dân và du khách. Để gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ các đơn vị trong công tác đào tạo trao truyền để các thế hệ trẻ hiểu, say mê gìn giữ và phát huy những giá trị của nghệ thuật truyền thống.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Tứ Kỳ, Nam Sách và thành phố Hải Dương tổ chức giao lưu ca trù toàn tỉnh, hỗ trợ nghệ nhân có tài năng xuất sắc, có công bảo vệ và phát huy di sản ca trù, hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ ca trù mở lớp truyền dạy, luyện tập cho các thành viên. Sở cũng phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức các hoạt động múa rối nước, liên hoan pháo đất,… để gìn giữ các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Năm 2021, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng, đã quy định rõ trách nhiệm quản lý di tích và phân cấp quản lý di tích để các địa phương chủ động việc triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn.