Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc, độc nhất vô nhị không chỉ của tỉnh Phú Yên mà còn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội đua năm nay thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách đến xem và cổ vũ cho “kỵ sĩ” và ngựa đua.
Hội đua ngựa Gò Thì Thùng có sự tham gia của 32 con ngựa, phần lớn là ngựa cái chuyên thồ nông sản của người dân huyện Tuy An. Các “kỵ sĩ” chủ yếu là nông dân tại địa phương trong đó có cả phụ nữ. Sự hấp dẫn của hội đua ở từng phần tranh tài của các “kỵ sĩ” cùng ngựa của mình.
Khán giả rất thích thú khi chứng kiến những chú ngựa không chịu chạy hết đường đua của mình; không chịu xuất phát theo hiệu lệnh của trọng tài. Nhiều con ngựa còn hất văng các “kỵ sĩ” xuống đất và chạy hết đường đua...
Chị Nguyễn Thị Hiền, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vui vẻ nói: đến xem những con ngựa đua vốn trước đây chỉ chuyên thồ hàng hóa không chịu chạy, ai cũng cười sảng khoái. Tuy vậy, vẫn có những màn phi nước đại của các “kỵ sĩ” cùng ngựa của mình rất quyết liệt. Đây đúng là một lễ hội hấp dẫn mà những ngày đầu năm nếu có điều kiện mọi người nên đến xem.
Chia sẻ ấn tượng lần đầu xem đua ngựa, anh Nguyễn Hùng (Gia Lai) thích thú khi tận mắt chứng kiến những con ngựa lớn nhỏ khác nhau tham gia đường đua. Ngựa đua có những con chạy đua như chuyên nghiệp nhưng cũng có con không chịu chạy theo điều khiển của “kỵ sĩ”. Điều này tạo nên không khí sôi nổi, những trận cười và tràng pháo tay trong những ngày xuân...
Kết thúc Hội đua, anh Thái Văn Sáu (xã An Hiệp) về Nhất với ngựa đua số 25; anh Lê Thành Chung (xã An Hiệp) về Nhì; anh Thái Hồng Thuận (xã An Hiệp) và Vũ Hồng Hưng (xã An Xuân) xếp thứ Ba.
Theo ông Huỳnh Gia Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, Hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng là hoạt động văn hóa đặc sắc, không chỉ tỉnh Phú Yên mà còn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm nay, người dân trong tỉnh và du khách đến xem đua ngựa nhiều hơn mọi năm, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu Xuân mới. UBND huyện sẽ duy trì hoạt động lễ hội này nhằm bảo tồn và phát huy vẻ đẹp văn hóa địa phương. Ngựa ở Tuy An hiện nay không chỉ được sử dụng ngựa để chở nông sản và nhiều vật dụng trong sản xuất nông nghiệp mà còn được nuôi để phục vụ du lịch...
Đến với Hội đua, du khách còn được đến tham quan Di tích lịch sử cấp quốc gia Gò Thì Thùng nổi tiếng với hệ thống địa đạo dài 1.948 m. Nơi đây là căn cứ cách mạng ghi dấu sự quả cảm, mưu lược của quân và dân tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.