Đáng từng phút với “Quan Thanh Tra”

Tối 17/1, tất cả những nghệ sĩ Nhà hát và những khán giả có mặt tại Rạp Tuổi trẻ 11 Ngô Thì Nhậm thực sự đã có một bữa tiệc sân khấu với “Quan Thanh Tra”. Xứng đáng cho những đầu tư của Nhà hát với dự án “Dàn dựng 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu Thế giới”, từng phút trong hơn 120 phút của vở diễn với kịch bản của nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng cuối thể thứ 19 trong làng văn học Nga và Ukraina, Nikolai Vasilyevich Gogol (1809 –1852), đều vô cùng đáng giá.

“Tham vọng” đưa người xem về hồi ức văn hóa đậm chất Nga-la-tư xem ra không phải là quá khó với ê kíp dàn dựng. Từ thiết kế sân khấu với những cây bạch dương xa xa, những mái vòm đặc trưng Nga; tới những thiết kế trang phục tỉ mỉ và chuẩn xác cho từng nhân vật trong vở diễn dù là nhân vật chính hay nhân vật phụ; rồi những điệu múa dân gian Nga như Kalinka, những điệu nhảy đặc trưng của những chàng nông dân Nga, những bản nhạc nghe đã gợi nhớ ngay tới nước Nga…


Đàn "chuột chù" của Thị trấn, gồm từ Thị trưởng tới các viên Chánh án, chủ sự Bưu vụ, Viện trưởng Viện Tế bần.

Có lẽ, đúng là một xã hội Nga thế kỷ 19 đã hiển hiện trên sân khấu, trong suốt cả vở diễn, không bỏ sót một giây. Ở cái xã hội ấy, một xã hội rất nhỏ của một thị trấn rất xa Thủ đô Saint Petersburg; có cả một đàn chuột chù chuyên đục khoét của dân, mà đứng đầu là “con chuột” Thị trưởng Anton, một kẻ “Vinh hiển kéo nhiều đời. Họ hàng đều giàu có. Ánh mặt trời mờ tỏ. Là cơ hội kiếm ăn. Mặc thiên hạ cằn nhằn. Mọi người đều khinh bỉ. Vểnh râu lên ngài nghĩ. Đáng đời lũ ngu ngơ”.


Quan Thanh Tra rởm (bên phải), từ một kẻ không đồng xu dính túi, sợ nơm nớp bị bắt vào tù; thành kẻ được trọng vọng nhất Thị trấn.

Đàn chuột ấy từ Viện trưởng Viện tế bần, tới viên Chánh án, Chủ sự bưu vụ, nhà Kiểm học, thày thuốc Quận… tất cả đều ra sức đục khoét của dân, bằng cách này hay cách khác, lợi dụng chức quyền của mình để vơ vét làm giàu; khiến cho đường xá thì đầy rác rưởi, phố đèn đỏ mọc lên và phát triển như nấm sau mưa; viện tế bần thì người ốm la liệt, nằm chen chúc khốn khổ; nhà tù thì cắt giảm khẩu phần ăn của tù nhân… Dân đen, nhà buôn đều oán hận, biểu tình khắp nơi vì không thể chịu nổi cảnh một năm tới “sáu bảy lần sinh nhật của Thị trưởng, mà sinh nhật nào cũng phải quà cáp đàng hoàng”, hay cảnh không có tiền đút cho Thị trưởng nên con trai chưa đủ tuổi, lại bị bệnh hen vẫn bị tống đi lính, trong khi con cái nhà giàu thì nhởn nhơ ăn chơi…


Vân Dung trong vai vợ Thị trưởng đã rất thành công với vai diễn của mình.

Trong cái bối cảnh ngột ngạt và tăm tối ấy, nên khi nghe tin sẽ có Quan Thanh Tra về thanh tra Thị trấn, đương nhiên cả đám quan từ to tới nhỏ đều lo sợ run rẩy; nơm nớp tìm cách che đậy những sự xấu xa, đê tiện của mình. Và cũng vì thế mà “gậy ông đập lưng ông”, cả đám chủ tớ đã lầm tưởng một kẻ chuyên “ăn tục nói phét”, cờ bạc hư hỏng, chỉ hám gái với hám ăn từ Thủ đô về là Quan Thanh Tra. Và nhờ thế, kẻ ấy từ chỗ bị khinh ghét, ăn chịu, ở chịu, chỉ có súp loãng, thịt nướng cứng như đá… được cung phụng, chiều chuộng, được ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà Thị trưởng, tán tỉnh từ vợ tới con của Thị trưởng.


Cũng vì cái xã hội chỉ sợ chức quyền, nên mới có cơ hội cho kẻ lừa đảo ấy kiếm chác từ tất cả những viên quan, tới những kẻ háo danh như cặp anh em sinh đôi sẵn sàng bỏ 65 rúp cuối cùng trong túi cho Quan Thanh Tra rởm để mong được nhắc tới trước mặt Đức Vua. Còn viên Thị trưởng, vốn thét ra lửa, trở nên câm nín mỗi khi đứng trước Quan Thanh Tra, sẵn sàng dâng cả gia tài, tiền bạc, thậm chí là con gái cho Quan Thanh Tra hòng mong được lên Thủ đô, được thăng quan tiến chức. Tất cả chỉ vỡ lở sau khi viên Chủ sự bưu vụ, vì cái thói chuyên đọc trộm thư của người khác, đã đọc được lá thư Quan Thanh Tra rởm viết cho bạn ở Thủ đô và phát hiện ra cả Thị trấn đã nhận được một quả lừa vô cùng cay đắng. Những “con lợn đội mũ nồi”, “con ngựa thiến lông xám”… đều trở thành trò cười cho kẻ đã cao chạy xa bay kia…


Chưa từng thấy ở đâu một xã hội thối nát tới vậy, nơi mà vì “Ánh mặt trời mờ tỏ” nên “Là cơ hội kiếm ăn”. Khiến cho người xem thấy như đúng là mình đang xem một xã hội chuột, chứ không phải một xã hội người; nơi những kẻ có quyền hành đều mất đi tính người, nhân cách; nơi những kẻ bợ đỡ, nịnh hót đều không còn chút tỉnh táo để biến mình thành trò cười, thành “nạn nhân” của kẻ lừa đảo là Quan Thanh Tra rởm. Nhưng hơn cả thế, xem một xã hội Nga thế kỷ 19 mà người xem vẫn thấy cuộc sống đương đại hôm nay. Đó là cái tài vượt thời gian của Gogol, nhưng cũng là cái xuất sắc của ê kíp thực hiện vở diễn. Nào là chuyện sẵn sàng xử án oan tới 17 năm vì chỉ cần 30 phút xin lỗi là xong của viên Chánh án; là chuyện bỏ phắt môn Sử ra khỏi chương trình giáo dục của nhà Kiểm học. Thế nên xem thế, cười thế mà cứ thấy xót xa thế, cứ thấy làm thế nào để xã hội phải thật sự tốt đẹp hơn, để những con chuột không thể cứ tranh thủ lúc mặt trời mờ tỏ mà kiếm ăn, không bỏ qua dù chỉ một mẩu nhỏ…


Có thể nói, vở kịch đã đi tới tận cùng vấn đề; mỗi diễn viên đã đi tới tận cùng nhân vật của mình trên sàn diễn; đạo diễn cũng đã đi tới tận cùng của việc dàn dựng đẩy cao trào… khiến cho như đã nói trên, mỗi phút của vở diễn đều đáng giá.


Lâu lắm rồi mới có một vở diễn hay và mạnh mẽ tới vậy. Cũng cần như thế, một tiếng nói không né tránh, một tiếng nói không vo tròn, như một lời cảnh tỉnh, để chúng ta cùng quyết tâm chung tay cho một xã hội tốt đẹp hơn; nơi không có đất cho chuột chù, không có đất cho Quan Thanh Tra rởm. Không dễ đâu, nhưng vẫn chắc sẽ phải làm.


Nghệ thuật là thế, ít nhất phải biết gióng những hồi chuông!
Tuyết Anh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN