Clip công tác chăm sóc các “bảo vật” của bảo tàng tại Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam):
Vụ việc kiệt tác “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí - bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bị hư hỏng vì rửa bằng nước rửa bát vào năm 2019, hay chiếc chuông cổ thuộc “Bảo vật quốc gia” bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra khỏi danh sách vì lớp trầm tích mang giá trị lịch sử của hiện vật đã bị cạo sạch. Những sai sót trong việc bảo quản khiến những bảo vật nghệ thuật chẳng thể giữ lại nguyên hình vẫn là trăn trở của những người làm công tác bảo tàng.
Chia sẻ về công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật tại các một trong những bảo tàng thu hút khách tham quan nhất hiện nay tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết: Bảo tàng hiện có hơn 20.000 hiện vật, trong đó chỉ có khoảng 2.000 hiện vật được trưng bày. Con số trên 18.000 hiện vật được lưu giữ tại các kho đã cho thấy yêu cầu rất lớn trong kiểm kê, bảo quản hiện vật.
“Việc triển khai tổng thể các giải pháp để giải quyết các tồn tại về công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật đã giúp bảo tàng đạt được một số kết quả bước đầu. Theo đó, trên 75% số lượng hiện vật, chỉnh lý bổ sung gần 9.000 thông tin; lập danh mục hiện vật chưa có số đăng ký, hiện vật cần chỉnh lý, bổ sung thông tin, hiện vật cần ưu tiên bảo quản, tu sửa... để có kế hoạch từng bước giải quyết”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
Tuy vậy, công tác kiểm kê, bảo quản và quản lý hiện vật của các bảo tàng gặp rất nhiều khó khăn xuất phát từ sự hạn hẹp tài chính. Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản (Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh) Trần Thị Khánh Hồng cho biết: Do diện tích của các kho nhỏ hẹp, không tập trung, không có lối đi riêng biệt, nên khó có thể trang bị thang máy chuyên dùng, hệ thống giá treo tự động, kệ đa năng hay xe nâng hạng nặng... để lưu trữ và hỗ trợ sức người trong quá trình vận chuyển và sắp xếp hiện vật có kích thước và trọng lượng lớn. Việc dựa vào sức người có thể không đảm bảo được tính an toàn tuyệt đối và thuận lợi, điều này rất dễ làm hiện vật bị “tổn thương”.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Đinh Thị Hoài Trai cũng cho biết: Cơ sở vật chất từ kho bảo quản đến hệ thống trưng bày của bảo tàng đều tận dụng công trình cũ, sửa chữa cải tạo lại nên không phù hợp với công năng hoạt động của bảo tàng. Tổng diện tích kho cơ sở của bảo tàng chỉ rộng hơn 100m2 lại lưu trữ tới hơn 1.500 tư liệu, tác phẩm, hiện vật, rất khó đáp ứng yêu cầu về kho lưu trữ tác phẩm nghệ thuật.
Một nguyên nhân khác khiến công tác lưu trữ, bảo quản của các bảo tàng khó khăn là do đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu, đặc biệt là không có cán bộ bảo quản chuyên sâu để chủ động thực hiện bảo quản phòng ngừa và bảo quản trị liệu.
Với các bảo tàng mỹ thuật trong nước, hiện chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là có Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật với 11 cán bộ chuyên môn. Trung tâm này thường xuyên đóng góp nhân lực cho công tác bảo quản các tác phẩm ở các bảo tàng mỹ thuật trong nước. Đồng thời, trung tâm cũng cử nhân viêm tham giá các khóa đào tạo chuyên môn tại nước ngoài, phối hợp với viện văn hóa các nước, trong đó có Đức - nơi được coi là ”trung tâm tu sửa” của châu Âu.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Tự Long - phụ trách Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Để kéo dài tối đa tuổi thọ cho hiện vật, các bảo tàng cần tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng kho cơ sở. Đầu tư trang thiết bị bảo quản, đảm bảo môi trường ổn định, tránh các rủi ro từ thiên nhiên, sinh học và con người, thực hiện tốt công tác bảo quản phòng ngừa cho hiện vật trong kho và hiện vật trưng bày thường xuyên”.
Ông Phạm Đình Phong, Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa chia sẻ: “Chúng ta đã có nhiều bài học đắt giá từ việc bảo quản, vệ sinh tác phẩm không đúng cách. Vì thế, việc đào tạo, trao đổi chuyên môn và cung cấp nguồn nhân lực, kinh phí cho các bảo tàng là vô cùng cần thiết. Hiện tại, Cục Di sản văn hóa đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập hai trung tâm chuyên về bảo quản, tu sửa, phục chế hiện vật.