Kho tàng di sản văn hóa
Ninh Thuận hiện có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 74 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp. Cụ thể, tỉnh có 2 di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt là tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai; có 18 di sản văn hóa ở các loại hình di tích, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa quốc gia; có 52 di tích lịch sử cách mạng, đình, đền, lăng miếu được xếp hạng cấp tỉnh.
Đặc biệt, Ninh Thuận có 2 di sản văn hóa được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Trong đó, “Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, tỉnh có 4 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm: Bia Hòa Lai, Phù điêu Vua Pô Rômê, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai.
Ninh Thuận còn có nhiều lễ hội đặc sắc như: Lễ hội Katê, Tết cổ truyền Ramưwan của đồng bào Chăm, Lễ Bỏ mả của người Raglai, Lễ hội Cầu ngư của ngư dân vùng biển. Các loại hình văn nghệ dân gian, diễn xướng dân gian như biểu diễn nhạc cụ Mã la, đàn Chapi, múa quạt, múa đội nước, hò Bả trạo, múa Náp, trình diễn nghệ thuật làm gốm... được gìn giữ và thực hành thông qua các sự kiện, lễ hội ở các địa phương đã tạo thêm nhiều không gian cho du khách tìm hiểu văn hóa cộng đồng.
Để phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa, Ninh Thuận đã không ngừng nỗ lực trùng tu, tôn tạo các di tích, đảm bảo giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo; kết nối các di tích thành cụm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, khám phá.
Ông Đổng Văn Nhường, Phó Trưởng Phòng Hành chính - Quản lý di tích (Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận) cho biết, đến tháp Pô Rômê và Pô Klong Garai, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa Chăm qua các nghi lễ, tín ngưỡng truyền thống, biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc. Đặc biệt, du khách sẽ được nghe thuyết minh miễn phí bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để hiểu rõ hơn về lịch sử, nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm.
Anh Trần Văn Tài, du khách từ Hà Nội chia sẻ, anh đã đi Bình Định, Phú Yên đến Khánh Hòa để tham quan các đền tháp Chăm, nhưng cụm tháp Pô Klong Garai ở Ninh Thuận là nơi còn nguyên vẹn nhất. Đến đây, anh đã chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc xây tháp độc đáo của người Chăm xưa và các Bảo vật quốc gia, tìm hiểu sâu hơn về vua Pô Klong Garai - người có công chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống thủy lợi giúp cho đời sống dân chúng ấm no.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong việc tìm hiểu văn hóa bản địa, trải nghiệm những sản phẩm đặc trưng của địa phương, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với các làng nghề truyền thống như gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp để xây dựng các tour du lịch sinh động, hấp dẫn. Nhờ đó, du khách được trực tiếp tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.
Gần đây, việc đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã mang đến một "làn gió" mới cho hoạt động du lịch - văn hóa của địa phương. Với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng và đặc sắc của đồng bào Chăm, Raglai, tuyến phố là điểm đến hấp dẫn du khách, là không gian sinh hoạt chung đầy màu sắc. Các nghệ sĩ, sinh viên, học sinh và người dân có cơ hội giao lưu, thể hiện tài năng, cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phát triển du lịch dựa vào giá trị di sản
Thực hiện Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, tỉnh xác định phải chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản để tạo ra các sản phẩm mới lạ, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng, trọng tâm là du lịch biển và du lịch văn hóa Chăm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên, tỉnh đang tập trung xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch, chuyển đổi từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, ưu tiên phát triển các sản phẩm chất lượng cao mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Do đó, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với giá trị lịch sử, văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, nghiên cứu, trình các cấp xét duyệt xếp hạng di tích; đẩy mạnh nghiên cứu, phục dựng để bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc bằng nhiều hình thức, chú trọng phát triển ứng dụng công nghệ số nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách tại di tích, bảo tàng, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, điểm tham quan du lịch. Đối với các di tích có thể khai thác, phục vụ du lịch, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh và địa phương lân cận để thu hút du khách tới tham quan, tìm hiểu giá trị di sản.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận đẩy mạnh huy động các nguồn lực, ý tưởng từ tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư dự án phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, tăng cường tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của đơn vị lữ hành nhằm giúp địa phương xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Nhờ sự đa dạng của các điểm đến và chất lượng dịch vụ ngày càng cao, trong 7 tháng của năm 2024, Ninh Thuận đã đón khoảng 2,62 triệu lượt khách, (tăng 20,7% so với cùng kỳ), trong đó có 63.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 2.962 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế, khẳng định vị thế của Ninh Thuận như một điểm đến du lịch văn hóa đầy sức hấp dẫn.