Du xuân cõi thiêng
Thời điểm này, mỗi ngày Yên Tử đón hàng vạn lượt khách du khách, phật tử từ khắp nơi về đây lễ chùa, vãn cảnh…
Ông Lê Tiến Dũng, Quyền Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, năm nay, các lực lượng chức năng của TP Uông Bí đã phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh và văn minh lễ hội, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. “Chúng tôi đảm bảo duy trì lực lượng giữ gìn an ninh trật tự trong suốt 3 tháng lễ hội, đặc biệt là những ngày cuối tuần, lượng du khách đi lễ thường đông hơn, chúng tôi cũng huy động hàng trăm công an tham gia giữ gìn an ninh trong lễ hội, đảm bảo không để xảy ra tình trạng trộm cắp, móc túi, cờ bạc trá hình… để du khách có một chuyến du xuân thoải mái”, ông Lê Tiến Dũng nói.
Quảng Ninh phấn đấu đưa Yên Tử thành trung tâm du lịch tâm linh. |
Quả thực, trong những ngày đầu năm mới, đặc biệt là những dịp cuối tuần, dòng người đổ về trảy hội xuân Yên Tử ngày càng đông. Mặc dù rất đông người, nhưng dòng người được hướng dẫn xếp hàng để vào ga cáp treo. Tại những ngã ba đường, những tấm biển chỉ dẫn lên xuống được làm bằng gỗ, trông rất gần gũi, thân thiện và đẹp mắt. Dọc tuyến đường lên chùa Hoa Yên, lên chùa Đồng luôn sạch sẽ. Du khách cũng không phải chịu cảnh người bán hàng chèo kéo khách, không có dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan như nhiều nơi khác.
Anh Lê Văn Phú (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng vậy, anh đã 11 năm liên tục đi Yên Tử, thậm chí có năm đi 2 - 3 lần. Anh Phú cho biết: “Tôi thích cảm giác khi đến Yên Tử, bởi đến đây tôi thấy mình đến gần hơn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, được tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng của người đi lễ Phật. Năm nay đến Yên Tử, tôi khá lạ lẫm vì nhiều khu vực đang được quy hoạch lại, đang trong quá trình tu sửa, tuy nhiên, tôi vẫn thấy thoải mái và dễ chịu, bởi không phải chịu cảnh bán hàng rong chèo kéo khách, không có ăn mày, đường đi lối lại sạch sẽ, hàng quán gọn gàng, lề lối…”.
Năm nay, TP Uông Bí quy hoạch lại khu trung tâm lễ hội, nên toàn bộ khu vực bến xe cũ được chuyển ra phía bên ngoài, việc đi lại của du khách xa hơn. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, Công ty Phát triển Tùng Lâm đã đưa 40 xe điện vào phục vụ đưa đón du khách từ bãi đỗ xe đến khu vực ga cáp treo.
Ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm, đơn vị phụ trách công tác vận chuyển hành khách trong lễ hội cho biết: “Để đảm bảo cho du khách đi lễ hội an toàn, thuận tiện, chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể để giảm sự chờ đợi của du khách. Theo đó, công ty đưa 40 xe điện vào đưa đón du khách từ bến xe vào ga cáp treo. Vào những ngày cao điểm, chúng tôi có phương án tăng giờ phục vụ để phục vụ giảm ùn tắc, nếu khách quá đông, ga cáp treo sẽ vận hành cả đêm để phục vụ du khách một cách tốt nhất”.
Về công tác đảm bảo vệ sinh, ông Thanh cho biết, với mục đích để du khách đến Yên Tử được tận hưởng cảm giác du xuân, lễ Phật thật thanh thản, công ty thường xuyên bố trí lực lượng thu dọn rác dọc tuyến Yên Tử, đồng thời tổ chức tuyên truyền bằng băng rôn, tăng cường thêm các thùng rác dọc đường đi, vệ sinh viên vừa dọn rác, vừa nhẹ nhàng nhắc nhở du khách không vứt rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh chung…
Phát triển du lịch tâm linh
Theo thống kê, thành phố Uông Bí có gần 30 di tích lịch sử văn hóa, danh thắng gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó, có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt gồm đình Đền Công và Khu di tích và rừng Quốc gia Yên Tử. Bên cạnh đó còn có 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh gồm chùa Ba Vàng, chùa Hang Son, đình và chùa Lạc Thanh. Với hệ thống các di tích thắng cảnh đặc sắc, thành phổ Uông Bí đã xác định mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành một trong những trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Ninh và của cả nước.
Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết, ngày 26/1/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định công nhận tuyến, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Uông Bí, gắn kết Yên Tử với các di tích lịch sử và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Uông Bí như chùa Ba Vàng, chùa Phổ Am, đình Đền Công, chùa Long Khánh, miếu Cổ Linh, thác Lựng Xanh, hồ Yên Trung… Trong thời gian tới, TP Uông Bí cố gắng phấn đấu đưa Uông Bí trở thành trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái của toàn tỉnh, trên cơ sở gắn kết, khai thác tối ưu tiềm năng khu du lịch danh thắng Yên Tử với Ngọa Vân, cụm di tích nhà Trần Đông Triều, quần thể di tích Bạch Đằng Quảng Yên, Rừng quốc gia Yên Tử và vườn thuốc quốc gia. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đề nghị UNESCO vinh danh Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa thế giới, quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới.
Để thực hiện được các mục tiêu này, TP Uông Bí đang tập trung triển khai các giải pháp phát triển du lịch, lập quy hoạch và xúc tiến đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch, phát triển mở rộng các tuyến điểm du lịch, kết nối điểm du lịch Yên Tử với các điểm du lịch khác tại địa phương trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh… Định hướng đến năm 2030, Uông Bí sẽ phát triển du lịch bền vững theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, trải nghiệm cộng đồng, du lịch xanh và bền vững…