Video Giữ lại "mái ngói thâm nâu" cho Hà Nội:
Trong ca khúc "Nhớ mùa thu Hà Nội" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có một hình ảnh khiến người hát lẫn người nghe đều nôn nao, cồn cào tới lạ: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau. Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...".
Trong tiết se se lạnh cuối thu, đầu đông của Hà Nội, cùng tìm lại ký ức về những mái ngói rêu phong nguyên sơ, thấp thoáng đâu đó trong nhịp phố thị rộn ràng.
Mặc dù trong không gian những ngôi nhà mái ngói còn lại hiện nay của Hà Nội, những nếp nhà xưa gần như không còn nguyên vẹn, thậm chí bị chia năm xẻ bảy bởi nhiều hộ gia đình nhỏ sống chung hoặc được cơi nới, sửa chữa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, nhưng những mái ngói thâm nâu theo thời gian vẫn tồn tại hơn như một đặc điểm, là biểu tượng kiến trúc đặc trưng một thời cho không gian sống của người Hà Nội.
Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là tại các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm, cũng giống như nhiều thành phố khác, Hà Nội đang phát triển, đổi thay không ngừng để đi trước đón đầu, bắt kịp với nhịp sống hiện đại, nhưng điều khác biệt để Hà Nội không nhầm lẫn với bất cứ nơi nào, thay đổi nhưng vẫn giữ được nét riêng chính là những "...cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ..." nằm kề bên "...phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu..." bình yên, xen lẫn những nhà cao tầng, trung tâm thương mại... ồn ào, đông đúc, ô nhiễm…
Chỉ khoảng 30 năm trước, phố Hà Nội vẫn đượm một màu đỏ thâm nâu của nhà mái ngói xưa cũ, nhưng hôm nay đã trở thành biểu mẫu thành phố kinh tế, chính trị, văn hóa đứng đầu cả nước, không còn nguyên vẹn, nhưng Hà Nội đã và đang mất dần đi nhiều dáng vẻ cổ kính, tinh túy riêng của những "hàng phố cũ rêu phong", "từng mái ngói xô nghiêng”, để chỉ còn “chợt nhòa chợt hiện”...
Thỉnh thoảng lang thang phố phường Hà Nội, bất chợt những lớp mái ngói thâm nâu theo thời gian, chứng kiến sự đổi thay thời cuộc của: Trường Đại học Tổng hợp trên phố Lê Thánh Tông (quận Hoàn Kiếm); Trường Trung học phổ thông Trần Phú - Hoàn Kiếm trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm); Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trên phố Yec Xanh (quận Hai Bà Trưng); những căn biệt thự cổ dọc các phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... hay khu vực phố cổ... lạc vào tầm mắt, chắc chẳng phải riêng các nhạc sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ mới nảy cảm hứng sáng tác về Hà Nội phố, mà bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy bị mê hoặc và muốn tìm hiểu về kiến trúc xưa cũ của Thủ đô.
Qua tìm hiểu, trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chỉnh trang kiến trúc, tái thiết đô thị, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp bảo tồn những cảnh quan kiến trúc cổ, nhằm phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô. Tuy nhiên, kết quả đến nay chưa được như mong đợi, manh mún, chưa tập trung, vì vướng nhiều vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn bất cập, thiếu cơ chế quản lý, chưa có các giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của các công trình, để tạo nguồn lực phát triển. Do đó, cần có các giải pháp để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của thành phố.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hiện trạng khu vực các quận lõi nội đô Hà Nội như: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... đang tồn tại nhiều khu dân cư có mật độ xây dựng cao, tạo ra những không gian sống đóng kín, chật chội. Để cải tạo, tái thiết chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội, trong đó bao gồm những không gian kiến trúc riêng có, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 975/QĐ-UBND làm căn cứ quan trọng để các tổ chức, cá nhân tuân thủ trong quá trình lập quy hoạch, thiết kế đô thị, lập dự án cải tạo, chỉnh trang, làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, đảm bảo chất lượng sống cho người dân, cũng như giữ gìn, phát huy giá trị kiến trúc cũ.
Với mỗi người Việt Nam hôm nay, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội vẫn còn vô cùng bí ẩn và quyến rũ. Sự bí ẩn, độc đáo đến từ chính những không gian kiến trúc xưa cổ kính của những phường, chợ xưa, phố cổ, phố cũ và những mái ngói thâm nâu... tất cả đều lưu giữ một phần của Hà Nội xưa thanh lịch, để du khách thập phương cảm nhận. Giữ nét xưa cũ trong xô bồ hiện đại, quy hoạch kiến trúc Thủ đô là nhiệm vụ của các nhà quản lý xây dựng gắn với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ lâu, do buông lỏng quản lý, dễ dãi trong phê duyệt quy hoạch, cộng với sự tùy tiện mạnh ai nấy làm, đã khiến bộ mặt đô thị Hà Nội dù hiện đại, hào nhoáng, sang trọng, nhưng lộn xộn, nhếch nhác.
Lợi ích, lợi nhuận kinh tế luôn là ưu tiên hàng đầu của bất kỳ tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân nào, khiến có thể nhanh chóng xóa đi cái cũ, thay thế bằng cái mới. Những tòa nhà cao tầng chót vót bê tông, cửa kính bề thế, nhà mái tôn đủ màu, lượn sóng hời hợt, che lấp đâu đó những mái ngói rêu phong... nhưng những người đã từng gắn bó với Hà Nội, sống với nét xưa, cả những người trẻ ưa hồi tưởng ký ức của Hà Nội xưa, vẫn sẽ luôn muốn chọn giữ lại ít ỏi những mái ngói thâm nâu, rêu phong, trường tồn với thời gian cho bản thân. Để "... sẽ có một ngày trời thu Hà Nội trả lời cho tôi; sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi...".