Nghệ nhân Nguyễn Thị Quỳ (85 tuổi, ở xã đảo Tân Hiệp) chia sẻ, người dân Cù Lao Chàm từ bao đời nay gần gũi với cây ngô đồng và am tường công dụng của loài cây này. Từ xa xưa, người dân xứ đảo đã nghĩ ra cách lấy vỏ cây ngô đồng về chế tác, kết thành sợi để đan những chiếc võng vừa bền chắc và tiện ích, vừa như một kỷ vật thân thuộc của mỗi gia đình. Năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, đan võng từ vỏ cây ngô đồng trở thành nghề thủ công truyền thống độc đáo của cư dân Cù Lao Chàm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, tháng 11/2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận 3 loài cây ở Cù Lao Chàm là cây Di sản Việt Nam; trong đó có một cây ngô đồng đỏ ở Hòn Lao, có tuổi trên 100 năm. Tháng 4/2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố quyết định và gắn bia công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng (xã đảo Tân Hiệp) có tuổi đời 155 - 250 năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, Festival “Cù Lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” là một trong những sự kiện văn hóa, du lịch trọng điểm của chương trình “Hội An - Cảm xúc mùa hè - 2024”, kéo dài từ tháng 5 - 8/2024, gắn với kỷ niệm 15 năm Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An. Đặc biệt, Festival năm nay có thêm một niềm vinh dự và tự hào là nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đan võng ngô đồng là một nghề thủ công truyền thống chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của bao lớp cư dân trên đảo gắn bó máu thịt với đất trời, biển rừng, nhẫn nại, kiên trì, mềm mại, chắc chắc. Chiếc võng ngô đồng là một công trình nghệ thuật không chỉ ở hình thái kết cấu mà còn chứa đựng trong đó tình cảm của đất và người giữa đảo xa.
Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, nhất là tạo nên những sản phẩm du lịch; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, lòng hiếu khách, chân tình của cư dân vùng biển đảo.