Xét tặng danh hiệu nghệ sỹ:

Nghệ sĩ nổi tiếng cũng phải theo tiêu chí

Hai năm một lần, việc phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân (NSND), Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) lại được tiến hành. Và lần nào, việc xét tặng danh hiệu cũng gặp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. 

Lần này cũng vậy, khi Hội đồng xét tặng danh hiệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa danh sách các nghệ sỹ được xét tặng danh hiệu lần này, đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Các nghệ sỹ tuồng, chèo thường ít được công chúng biết đến.


Trong danh sách các nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần này không có những cái tên quen thuộc của sân khấu kịch, cũng như trên truyền hình như NSƯT Chí Trung, NSƯT Minh Hằng... Đã có ý kiến cho rằng, việc bình chọn danh hiệu chưa thực sự khách quan, chưa đánh giá đúng tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ và vẫn là một thứ đặc ân của cơ chế xin - cho... Đã có những câu hỏi đặt ra, liệu Hội đồng xét duyệt có thực sự công tâm, khi mà những nghệ sỹ quen thuộc với công chúng lại không được xét duyệt, trong khi có rất nhiều tên tuổi không mấy ai biết đến lại có tên trong danh sách... Cũng có ý kiến cho rằng, dường như các diễn viên hài thường hay bị thiệt thòi, vì hay bị... trượt trong các kỳ xét duyệt.

Về vấn đề này, ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt danh hiệu cấp Bộ cho biết, không phải cứ người xuất hiện nhiều trên truyền hình, được nhiều người biết đến thì sẽ được công nhận là NSND, NSƯT. Nhiều nghệ sỹ có thể ít xuất hiện truyền hình, nhưng hoạt động âm thầm, có nhiều công lao đóng góp cho ngành văn hóa, họ sẽ được xét duyệt. Đồng quan điểm này, NSND Quốc Trị cũng cho rằng, công chúng vẫn đang đánh giá sự cống hiến của nghệ sỹ qua tần suất họ xuất hiện. Trong khi đó, những nghệ sĩ chèo, tuồng, múa rối, cải lương... rất ít được tiếp cận với công chúng, nhưng sự cống hiến của họ cho nghệ thuật lại rất lớn. Họ thường tiên phong đi đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để biểu diễn phục vụ nhân dân. Trong khi đó, những nghệ sĩ “nổi tiếng” với khán giả, thường là những nghệ sỹ tham gia nhiều gameshow, đóng phim truyện hay các tiểu phẩm hài trên truyền hình... Đơn cử như nghệ sĩ Hán Văn Tình, rất nổi tiếng qua vai diễn Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và Người”, nhưng rất ít người biết đến là nghệ sĩ tuồng...

Nhiều nghệ sỹ khi được hỏi đã thừa nhận, trong số các tiêu chí để xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, những tiêu chí như: Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ... thì rất nhiều nghệ sĩ đạt. Tuy nhiên, đến tiêu chí “có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia tính từ thời điểm nộp hồ sơ...”, thì nhiều nghệ sỹ không đạt. Đôi khi sự không đạt đó không phải là họ thiếu tài năng, mà do lĩnh vực, loại hình nghệ thuật của nghệ sỹ đó không tổ chức thi. Lấy ví dụ như nghệ thuật xiếc, tuồng, chèo, cải lương... có khi vài năm không có một cuộc thi, một cuộc liên hoan, vậy các nghệ sỹ làm gì có cơ hội để thi, để lấy giải thưởng, huy chương. Trường hợp của 4 nghệ sĩ lớn của nghệ thuật cải lương là Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy là một ví dụ điển hình, dù là những nghệ sỹ tên tuổi, có đóng góp rất lớn vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương, nhưng đến nay vẫn phải “đặc cách” mới trở thành NSND, bởi vì... thiếu số lượng huy chương.

Trao đổi xung quanh vấn đề nhiều luồng ý kiến trái chiều trong lần xét tặng danh hiệu lần này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, người từng 7 lần tham gia trong Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cấp Bộ khẳng định: Để đưa ra danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 này, Hội đồng đã phải làm việc rất công tâm. Người được phong, phải được 90% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua (khác với những lần trước là 75%). Riêng lần xét duyệt này còn xét đến nhiều thành phần hỗ trợ cho sáng tạo như: Ánh sáng, âm thanh, phục trang... mà trước kia ít ai để ý. Điều này giúp những người làm trong các khâu của công tác sáng tạo nghệ thuật đỡ thiệt thòi, nhưng cũng làm danh sách nhiều lên.

Ông Đào Đăng Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng khẳng định: “Chúng tôi đang chuẩn bị các bước để đưa danh sách xét tặng lần này ra lấy ý kiến đóng góp của công chúng, sau đó hoàn tất thủ tục trình Hội đồng xét duyệt cấp Nhà nước. Đối với việc xét duyệt danh hiệu lần này, Hội đồng xét duyệt cấp Bộ chúng tôi đã làm việc với năng lực cao nhất và hết sức công bằng”.


Phương Hà - Khánh Ngọc
Xét danh hiệu nghệ sỹ dựa trên tầm ảnh hưởng công chúng
Xét danh hiệu nghệ sỹ dựa trên tầm ảnh hưởng công chúng

Ngày 6/12, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN