Đam mê với chèo
Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền kể, chị sinh năm 1975 tại Hà Nội, trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. Cơ duyên đưa chị đến với nghệ thuật chèo một cách tình cờ. Đó là vào năm Thu Huyền 14 tuổi (1989), trong một lần tham gia thi giọng hát thiếu nhi, Thu Huyền tình cờ gặp nhạc công Văn Hiệp của Nhà hát Chèo Hà Nội, là đồng hương ở Đông Anh. Nghệ sỹ Văn Hiệp thấy Thu Huyền có giọng hát rất hay, nên khuyên cô thi vào Nhà hát Chèo Hà Nội. Thời điểm đó, Nhà hát Chèo Hà Nội đang rất nổi tiếng với rất nhiều vở diễn kinh điển, nên Thu Huyền cũng rất thích, thế là cô đã tham gia thi và trúng tuyển trúng tuyển hệ trung cấp chèo của Nhà hát Chèo Hà Nội.
Năm 16 tuổi, Thu Huyền tham gia cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ Hà Nội với vai diễn Thị Mầu trong vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính". Cô diễn viên trẻ có vóc người nhỏ nhắn với hàm răng khểnh, nụ cười duyên và đôi mắt "sắc" như dao cau đã thể hiện thành công hình tượng cô Thị Mầu lẳng lơ, sắc sảo. Vai diễn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và được Ban giám khảo trao giải Đặc biệt.
Năm 1998, cũng với vai diễn Thị Mầu, Thu Huyền lại một lần nữa đạt giải Nhất cuộc thi Tài năng sân khấu trẻ toàn quốc. Vai diễn này Thị Mầu đã ghi dấu ấn của Thu Huyền trong hoạt động nghệ thuật, chị là một trong những nghệ sỹ thể hiện thành công nhất vai diễn này trên sân khấu Việt, góp phần đưa hình ảnh của Thị Mầu trở thành người phụ nữ lẳng lơ nhất trong văn học dân gian Việt Nam.
Ngoài vai Thị Mầu, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền còn thành công với nhiều vai diễn khác như vai Thị Phương trong vở "Trương Viên", vai cô Son trong vở chèo cùng tên "Cô Son", vai Xúy Vân trong vở "Xúy Vân giả dại", Hoạn Thư trong vở "Kiều", nàng Sita trong vở "Nàng Sita", Thuyến trong "Điều còn lại"... Ở vai diễn nào, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền cũng để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, bởi lối diễn xuất tự nhiên, duyên dáng, chị đặc biệt thành công trong việc thể hiện nội tâm cũng như lột tả tính cách, tâm lý của từng nhân vật.
Xem nghệ sỹ Thu Huyền diễn, khán giả dễ dàng bị "cuốn" theo khi nhìn chị khóc, cười bằng chính cảm xúc của nhân vật trên sân khấu. Nhiều vai diễn đã mang về cho nghệ sỹ Thu Huyền những huy chương, phần thưởng và danh hiệu cao quý.
Ngoài nghệ thuật chèo, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền cũng ghi dấu ấn trong lòng công chúng với các tác phẩm dân ca quan họ Bắc Ninh như "Xe chỉ luồn kim", "Vào chùa", "Đi cấy", "Lúng liếng"...
Với những cống hiến cho nghệ thuật truyền thống, vào năm 2007, Thu Huyền đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú khi mới có 13 năm tuổi nghề, đặc cách so với tiêu chuẩn tối thiểu 15 năm hoạt động trong nghề khi đó. Đồng thời, chị cũng là một trong những nữ Nghệ sỹ Ưu tú trẻ nhất Việt Nam được phong tặng danh hiệu khi đó (32 tuổi). Năm 2017, nghệ sỹ Thu Huyền đảm nhận cương vị Phó giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đến tháng 8/2022, chị được giao nhiệm vụ điều hành Nhà hát Chèo Hà Nội. Năm 2023, nghệ sỹ Thu Huyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân.
Nỗ lực đưa chèo đến gần công chúng
Chia sẻ bí quyết thành công của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền cho biết, khi bước chân vào nghề, điều mà chị luôn tâm niệm và mong mỏi là làm thế nào để có tác phẩm cống hiến cho khán giả, đó là điều quan trọng nhất. Suốt 35 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, chị vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề. Mỗi lần đi diễn, dù là tiết mục mới hay cũ, chị đều vẫn háo hức, hồi hộp và vẹn nguyên cảm xúc như những ngày đầu làm nghề. Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền tin rằng, khi gái có công thì chồng sẽ không phụ, những người yêu nghề, đam mê với nghề chắc chắn sẽ thành công. Sự đam mê của chị với sân khấu chèo đã mang đến cho chị nhiều phần thưởng và danh hiệu quý giá, đặc biệt là tình cảm của khán giả dành cho những vai diễn của chị.
Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền hiện là Phó Giám đốc phụ trách của Nhà hát Chèo Hà Nội. Với vai trò là người "lái đò" của Nhà hát, chị vẫn ngày đêm miệt mài "truyền lửa" tình yêu với nghệ thuật chèo đến với thế hệ trẻ.
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền, chèo là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp. Để làm được diễn viên chèo, người nghệ sỹ phải hội tụ rất nhiều yếu tố, phải hát được, phải có kỹ thuật biểu diễn hóa thân vào nhân vật, rồi phải biết về vũ đạo, phải học múa và nếu phải đóng vai chính thì phải có sắc phù hợp để lột tả được những nhân vật…
Trong nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng, những người thầy có vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo, dẫn dắt các thế hệ nghệ sỹ trẻ, bởi các nghệ sỹ không dạy theo giáo án, mà truyền nghề trực tiếp. Thầy dạy hát từng câu để học trò hát theo, thầy hướng dẫn từng điệu múa, ánh mắt, nụ cười... cho các học trò. "Bản thân tôi có được thành công như ngày hôm nay, cũng là nhờ công dạy bảo tận tình của các thầy cô là các nghệ sỹ lớp trước" Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền nói.
Với mong muốn để nghệ thuật chèo ngày càng phát triển và đến gần với công chúng, Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền luôn nỗ lực truyền dạy những kinh nghiệm mà chị đúc kết được trong hơn 30 năm làm nghề cho các thế hệ diễn viên kế cận. Chị luôn tận tình chỉ bảo, dẫn dắt các diễn viên trẻ tập luyện diễn xuất, đồng thời thắp sáng đam mê, truyền ngọn lửa nhiệt huyết và tình yêu với nghệ thuật chèo của mình cho các em. Nhiều học trò của chị đã giành các giải thưởng cao tại các kỳ liên hoan, hội diễn…
"Nhà hát Chèo Hà Nội luôn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức thực hiện đam mê của mình, cống hiến hết mình cho nghệ thuật sân khấu. Chúng tôi luôn nỗ lực để gìn giữ, phát triển nghệ thuật chèo, để loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc luôn có chỗ đứng trong lòng công chúng", Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền bày tỏ.
Trong bối cảnh hiện nay, sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng còn nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại khác, song các nghệ sỹ vẫn không ngừng nỗ lực để kéo khán giả đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống. Nhiều năm qua, Nhà hát Chèo Hà Nội luôn tìm tòi những kịch bản hay, phù hợp hơi thở đời sống đương đại để dàn dựng. Đối với các vở chèo cổ kinh điển, nhà hát vẫn luôn duy trì và có đầu tư cảnh trí, âm thanh ánh sáng… cho phù hợp với cuộc sống đương đại, để khán giả thấy gần gũi và dễ tiếp cận hơn. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Nhà hát thường xuyên thay đổi kịch mục để hấp dẫn, lôi kéo khán giả đến với sân khấu, đồng thời chủ động đi tìm khán giả, đưa các vở chèo đi phục vụ công chúng ở các địa phương, biểu diễn ở các lễ hội làng, xã…
Ngoài ra, Nhà hát còn lựa chọn những vở diễn phù hợp lứa tuổi học sinh, đưa nghệ thuật chèo truyền thống đến các trường học. "Việc đưa nghệ thuật chèo vào trong trường học sẽ góp phần gây dựng các thế hệ khán giả cho nghệ thuật chèo trong tương lai, để nghệ thuật chèo luôn được bảo tồn và ngày càng phát triển", Nghệ sỹ Nhân dân Thu Huyền chia sẻ.