Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh chủ trương phát triển kinh tế đồng thời với phát huy các giá trị văn hóa nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.
Nguồn lực tự nhiên và văn hóa phong phú
Với lợi thế là địa phương có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có đủ địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi, biển, biên giới và hải đảo, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh có vai trò quan trọng và đặc biệt cấp thiết, mang ý nghĩa chiến lược lâu dài để góp phần phát triển nhanh và bền vững, đưa Quảng Ninh trở thành “nơi cần đến và nơi đáng sống”.
Các sản phẩm, dịch vụ của công nghiệp văn hóa không chỉ giúp phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng thương hiệu của địa phương, mà còn đóng góp doanh thu không nhỏ vào ngân sách.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, cho rằng, với những lợi thế ít địa phương có được, Quảng Ninh được thừa hưởng cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa rất dồi dào, đa dạng, phong phú. Nguồn lực tự nhiên nổi bật nhất là nguồn khoáng sản than. Nguồn lực văn hóa là nguồn lực được kết tinh bởi vốn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.
Quảng Ninh là một vùng đất giàu trầm tích và bản sắc văn hóa, nơi có sự giao thoa, hội tụ, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng cùng với văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Quảng Ninh có cả ba không gian văn hóa: Không gian văn hóa núi đồi, không gian văn hóa đồng bằng và không gian văn hóa biển đảo.
Đặc biệt, hiện nay nguồn lực văn hóa đang được nhận diện để trở thành “đầu vào” phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong số 13 ngành công nghiệp văn hóa (theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Quảng Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế hiện diện ở nhiều ngành, nổi bật ở ngành du lịch văn hóa...
Theo PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Quảng Ninh, là “con đường” ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh với nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Lý do là bởi Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là niềm tự hào của đất nước Việt Nam, là tài sản quốc gia, là một trong những đặc trưng nhận diện của du lịch Việt Nam. Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong tập trung đầu tư trọng điểm phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng thiết chế văn hóa.
Thêm vào đó, Quảng Ninh có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước; con người Quảng Ninh cũng thể hiện những đặc trưng chung, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, kết hợp với bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân mỏ “Kỷ luật và Đồng tâm” là một di sản tinh thần và đặc trưng của con người Vùng mỏ.
Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp văn hoá
Theo PGS, TS Phạm Duy Đức, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: “Quảng Ninh là một vùng đất được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, là nơi hội tụ, giao thoa, kết tinh các giá trị tiêu biểu của nền văn minh sông Hồng, giàu bản sắc với sức mạnh đặc trưng của con người đất Quảng Ninh hội tụ bốn phương. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để phát triển Quảng Ninh ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Để khơi nguồn lực cho quá trình phát triển, việc nhận diện để xác định phương hướng, ông Đức gợi ý đưa ra những giải pháp phát huy bản sắc văn hóa và sức mạnh con người Quảng Ninh như: tiếp tục xác định xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Từ đó, tập trung nhiều nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để tập trung thực hiện hiệu quả, thành công khâu đột phá này.
Quảng Ninh đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung, và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể, phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân vùng mỏ; khắc sâu, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm du lịch, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản có nguy cơ mai một.
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nỗ lực trong việc gìn giữ giá trị truyền thống, làm giàu thêm bản sắc văn hóa phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 09/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nhân dân đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, con người nhìn chung đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Phát triển văn hoá ngày càng gắn bó hơn với nhiệm vụ xây dựng con người, từng bước trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.