Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; một số tỉnh, thành phố lân cận, cùng các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh tham dự hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Phụ trách Tạp chí Cộng sản khẳng định, nhìn nhận văn hóa ở vai trò "nguồn lực" là một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về văn hóa và phát triển. Nguồn lực là tổng thể các giá trị vật chất và phi vật chất để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Nguồn lực văn hóa là một nguồn lực đặc biệt; trong khi các nguồn lực tự nhiên không tái tạo như than, dầu, sắt... là hữu hạn, càng khai thác, càng cạn kiệt, thì nguồn lực văn hóa là vô tận. Trên cơ sở có chủ trương đúng đắn, có đường lối và cách thức phát triển phù hợp, nguồn lực văn hóa càng khai thác, khơi dậy, phát huy càng gia tăng. Quảng Ninh với những lợi thế ít địa phương có được đã thừa hưởng cả nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa dồi dào, đa dạng, phong phú.
Quảng Ninh đã hình thành một hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc và nhân văn. Tỉnh hiện có kho di sản văn hóa lớn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể, gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, hiện nay, nguồn lực văn hóa đang được nhận diện với các ngành công nghiệp văn hóa. Đây được xác định là nguồn lực quan trọng vừa đáp ứng nhu cầu tinh thần cho nhân dân trong tỉnh và khách du lịch khi đến với Quảng Ninh, là "con đường" ngắn nhất quảng bá hình ảnh Quảng Ninh tới nhân dân cả nước và hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Quảng Ninh có bản sắc rất riêng của vùng đất được coi là "cái nôi" của giai cấp công nhân Việt Nam, truyền thống công nhân vùng Mỏ, "Kỷ luật và Đồng tâm" đã được hình thành, vun bồi thành một di sản tinh thần của công nhân vùng mỏ, trở thành một đặc trưng của con người vùng mỏ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong tập trung đầu tư trọng điểm phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng thiết chế văn hóa. Việc tập trung xây dựng dự án thiết chế văn hóa của Quảng Ninh ở cấp tỉnh được đánh giá ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo đặt ra mục tiêu làm rõ những vấn đề lý luận về nhận diện, khơi dậy và phát huy các giá trị văn hóa, con người, làm nền tảng tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là đối với Quảng Ninh; đánh giá những lợi thế, tiềm năng của Quảng Ninh trong khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo động lực và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững; khẳng định và làm rõ quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ ra 6 giá trị cốt lõi của tỉnh, định hướng xây dựng hệ giá trị gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - là điều kiện; Văn hóa đặc sắc - là nền tảng; Xã hội văn minh - là chuẩn mực; Hành chính minh bạch là môi trường; Kinh tế phát triển - là phương tiện; Nhân dân hạnh phúc - là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Ông Nguyễn Xuân Ký khẳng định, hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sự tích hợp và tổng hòa của các giá trị tự nhiên, văn hóa, con người cốt lõi, tiêu biểu nhất, có sự sự cân đối, hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, đặc thù và phổ quát. Điều quan trọng hơn cả là cần chuyển hóa hiệu quả các giá trị trên thành nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực vô hạn cho sự phát triển, cùng hướng đích xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu đều khẳng định Quảng Ninh là địa phương đi tiên phong trong việc nhận diện và xây dựng hệ giá trị văn hóa. Các đại biểu cũng tập trung phân tích về văn hóa chính trị và triết lý văn hóa phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn; khẳng định đây là những vấn đề được Quảng Ninh đã và đang hướng tới để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời chỉ ra Quảng Ninh tiếp tục nhận diện rõ, cụ thể các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, đặc biệt là đưa các giá trị văn hóa tham gia vào quá trình hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính, từ đó đã có chủ trương hành động thực tiễn để chuyển hóa giá trị này thành nguồn lực cho phát triển.
Các diễn giả phân tích phương pháp vận dụng sao cho phù hợp với Quảng Ninh, gợi mở tỉnh tiếp tục giải quyết đúng, trúng, kịp thời mối quan hệ phát triển kinh tế thương mại gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Các ý kiến cũng đề xuất giải pháp phát triển văn hóa con người Quảng Ninh, đổi mới kiến thức đô thị vùng biên giới, khơi dậy, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, di sản quốc gia của tỉnh; giải pháp phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa, công nghiệp nghệ thuật biểu diễn.