Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng, phản ánh một xã hội bất công, đen tối, đầy khổ cực của người nghèo, đặc biệt là phụ nữ. Tác phẩm cũng bày tỏ sự tự tôn và khát khao cuộc sống lương thiện của người Việt Nam trước những thử thách và cám dỗ, đồng thời tác phẩm cũng gửi gắm thông điệp về tình yêu thương và trách nhiệm gia đình, về sự hy sinh và chung thủy của người phụ nữ. Vở nhạc kịch “Bỉ vỏ” được kết cấu 3 hồi, 15 cảnh.
Trong đó, hồi I có tên “Trùm cuối”, lấy bối cảnh Hải Phòng năm 1937, trong xã hội thực dân nửa phong kiến khi đó, nhiều người bị bần cùng, tha hóa, trở thành dân anh chị giang hồ mà Năm Sài Gòn cùng đồng bọn và Tám Bính là những nhân vật trung tâm.
Hồi II có chủ đề “Cuộc rượt đuổi số phận” khắc họa về những mảnh đời cơ cực, đói rách, những con người lương thiện bị bức ép vào con đường lầm lỗi như Tám Bính. Trong thế giới “anh chị” khốc liệt, máu lạnh ấy vẫn có một Năm Sài Gòn - gã đàn anh của Bến 6 Kho - Hải Phòng nghĩa khí, phóng khoáng, hảo hán, chỉ lấy của người giàu và bọn quan quyền bóc lột.
Hồi III với tên gọi “Con đường bụi mờ” phơi bày bộ mặt bất công của xã hội đương thời đè nặng lên những người dân lương thiện, tạo nên những bi kịch thảm khốc và đầy nước mắt.
Kiếp người ám ảnh của Năm Sài Gòn, Tám Bính tái hiện trên sân khấu kịch đưa công chúng ngược về quá khứ, một lần nữa nhìn rõ hơn chế độ xã hội thực dân nửa phong kiến vô nhân đạo... Trên nền hiện thực ảm đạm từ thôn quê còn cổ hủ, lạc hậu tới thành thị bát nháo, trộm cắp hoành hành đó vẫn ánh lên thanh âm thiết tha, sẻ chia đối với quần chúng lao động nghèo khổ, ánh lên tình yêu thương trong sáng với niềm tin không gì lay chuyển được ở phẩm chất tốt đẹp của con người.
Dưới bàn tay dàn dựng của Tổng đạo diễn, biên đạo múa Tuyết Minh, “Bỉ vỏ” bước lên sân khấu nhạc kịch Hải Phòng mang đến nỗi ám ảnh về phận người trong xã hội cũ, nhưng cũng mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, hướng đến những giá trị tốt đẹp, tích cực trong xã hội. Tác giả kịch bản dùng nhiều đối thoại lồng ghép âm nhạc để thể hiện tính cách và quan hệ của các nhân vật, mở ra bức tranh xã hội Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, chúng khủng bố và đàn áp những người vô tội, một xã hội xuống cấp, mục nát, suy đồi đạo đức trong xã hội thực dân nửa phong kiến.
Vở nhạc kịch được thực hiện dưới chỉ đạo nghệ thuật Nghệ sỹ Nhân dân Khánh Hòa, Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng; Tổng đạo diễn, kịch bản: Nghệ sỹ Tuyết Minh; biên đạo múa: Nghệ sỹ Tuyết Minh – Nghệ sỹ Ưu tú Văn Dũng; dàn dựng hợp xướng: Nghệ sỹ Nhân dân Hà Thủy - Chinh Ba; Giám đốc âm nhạc: Lưu Quang Minh cùng sự tham gia biểu diễn của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa Hải Phòng và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố.
Nhạc kịch “Bỉ vỏ” sẽ công diễn vào tối 29/6 tại Nhà hát Lớn Hải Phòng và Truyền hình trực tiếp trong Chương trình Sân khấu Truyền hình - Đài Truyền hình Hải Phòng - THP.