Việc tổ chức buổi lễ nhằm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn với những thế hệ trước đã có nhiều đóng góp cho sự hình thành, phát triển của Làng hoa Sa Đéc; giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống, phát huy giá trị kinh tế của các sản phẩm hoa, kiểng - ngành hàng chủ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp; thúc đẩy phát triển ngành hàng hoa, kiểng gắn với phát triển du lịch nông nghiệp và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, cách đây 5 năm, địa phương đã tổ chức Lễ tri ân và tôn vinh nghề trồng hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ Nhất. Khi đó, người dân Sa Đéc đã đặt nhiều kỳ vọng và niềm tin vào việc phát triển “Thành phố hoa”. Đến nay, những khát vọng ấy đã trở thành hiện thực, có thành tựu nổi bật là diện tích trồng hoa kiểng đã đạt 978 ha, hướng tới cột mốc 1.000 ha trong tương lai gần.
Giá trị sản xuất hoa, kiểng của thành phố Sa Đéc năm 2024 ước khoảng 3.300 tỷ đồng, chiếm 79,32% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố Sa Đéc, tăng 145,7% so với năm 2021 (1.343 tỷ đồng). Bên cạnh đó, nhiều dự án gắn với hoa kiểng ra đời như: Khu đô thị và du lịch thế giới hoa, Khu đô thị thành phố xanh… Làng hoa Sa Đéc trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút gần một triệu lượt du khách trong và ngoài nước mỗi năm.
Theo bà Võ Thị Bình, Đảng bộ và chính quyền thành phố Sa Đéc đã linh động đưa ra nhiều quyết sách, từ việc thúc đẩy nông nghiệp đô thị bền vững, phát triển du lịch cộng đồng, đến bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng. Tất cả những nỗ lực này đều góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Làng hoa Sa Đéc phát triển như hiện nay phải kể đến sự cống hiến thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của hàng nghìn người trồng hoa, kiểng. Chính những bàn tay tài hoa, sự chăm chỉ và đức tính kiên trì của người dân tạo nên những vườn hoa rực rỡ, thu hút du khách gần xa đến với Sa Đéc. Các thế hệ nghệ nhân đã truyền lại không chỉ kỹ thuật mà còn niềm đam mê và tâm huyết với nghề, để hoa, kiểng Sa Đéc không chỉ là một ngành nghề, mà còn là niềm tự hào của thành phố.
Theo lịch sử Làng hoa Sa Đéc, những người trồng hoa, kiểng ở Sa Đéc trong những năm cuối thế kỷ XIX đến năm 1930 được xem là thế hệ tiền phong, khai mở cho làng nghề. Lúc này, hoa kiểng chỉ mới đáp ứng nhu cầu gia đình, cá nhân riêng lẻ, chưa có điều kiện để đưa đi bán khắp nơi. Tuy vậy, việc định hình cho một nghề mới trong nông nghiệp đã được bắt đầu, gây dựng và có một vị trí nhất định trong đời sống, sinh hoạt của cư dân Sa Đéc thời bấy giờ, đó là nghề trồng hoa, kiểng. Công lao ấy phải kể đến gia đình của các bậc tiền bối như: gia đình ông Phạm Văn Nhạn, Võ Văn Phu, Trần Văn Dậu, Phạm Văn Xoài…
Trải qua nhiều thế hệ, đến nay, Làng hoa Sa Đéc phát triển trải dài từ phường Tân Quy Đông, phường An Hòa đến xã Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Tân Phú Đông (thành phố Sa Đéc) rồi lan rộng sang các địa phương lân cận như: xã Tân Khánh Trung, Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), xã Tân Dương, Hòa Thành (huyện Lai Vung), xã Tân Bình (huyện Châu Thành)... Sa Đéc đã sản sinh ra nhiều nghệ nhân vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho hoa, kiểng. Làng hoa Sa Đéc ngày càng khởi sắc, vừa tạo ra sản phẩm làm đẹp cho đời, vừa giúp người dân phát triển kinh tế.