Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang

Ngày 29/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, UBND thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn và Đài Phát thanh – Truyền hình An Giang, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang lần thứ 29, năm 2024.

Chú thích ảnh
Các đôi bò bứt tốc về đích, với quyết tâm dành thứ hạng cao nhất. 

Đây là lễ hội truyền thống nhân dịp Lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Tham gia Hội thi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang). Hội thi đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tinh thần đoàn kết dân tộc, tạo không khí vui tươi phấn khởi, góp phần quảng bá hình ảnh Hội đua bò Bảy Núi đến người dân trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình An Giang - Phó Trưởng ban Tổ chức cho biết, Hội đua bò Bảy Núi là một lễ hội nông nghiệp độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long. Hội đua bò thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn, đồng thời là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho đồng bào Khmer Nam Bộ.

Chú thích ảnh
Ở vòng hô - vòng di chậm, các "nài bò" (người điều khiển bò) thể hiện sự khéo léo khi để đôi bò đi dúng đường đua và không đạp lên bừa của đôi bò đi trước.
Chú thích ảnh
Các đôi bò so kè với nhau ở vòng thả, tạo nên những khoảnh khắc rất gay cấn và hấp dẫn.

Để giành được thành tích cao nhất, các “nài bò” (người điều khiển bò) đã mải mê tập luyện từ nhiều tháng nay. Trước cuộc đua, các chủ bò bốc thăm chọn đôi bò đi trước, đi sau. Bước vào tranh tài, hai đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức một vòng hô và một vòng thả.

Vòng hô là vòng để cho các đôi bò làm quen với sân đua để lấy trớn; vòng thả - là khi có hiệu lệnh của trọng tài, người điều khiển bò dùng cây xà-lul (một khúc gỗ tròn vừa tay độ 3cm, đầu có tra cây đinh nhọn kích vào mông bò), để đôi bò vận hết sức lực băng về đích, từ đó chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Đôi bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và chiến thắng các đối thủ...

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải Nhất cho đôi bò mang số đeo 52 của ông Lê Văn Mới, ngụ phường An Phú, thị xã Tịnh Biên. 

Kết quả, đôi bò số 52 của ông Lê Văn Mới (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) đã xuất sắc giành giải Nhất. Giải Nhì thuộc về đôi bò số 24 của ông Nguyễn Văn Cưng (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên), giải Ba thuộc về đôi bò số 12 của ông Nguyễn Ngọc Tiến (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) và giải Tư thuộc về đôi bò số 40 của ông Nguyễn Văn Liệt (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên).

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 4 giải Khuyến khích cho 4 đôi bò lọt vào vòng tứ kết. Ông Lê Văn Mới (phường An Phú, thị xã Tịnh Biên) xuất sắc đoạt giải Người điều khiển bò xuất sắc nhất.

Chú thích ảnh
Ông Lâm Văn Bá, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên (trái) trao cờ đăng cai Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2025 cho huyện Tri Tôn. 

Năm 2016, Hội đua bò Bảy Núi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đến nay, qua 29 lần tổ chức, Hội đã trở thành nét văn hóa độc đáo của cộng đồng vùng Bảy Núi ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm nay, dù thời tiết nắng gắt, nhưng vẫn có hàng chục ngàn lượt du khách đến xem và cổ vũ thi đấu, qua đó, khẳng định sự hấp dẫn, độc đáo của lễ hội truyền thống riêng có ở vùng Bảy Núi An Giang.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)
Sôi động Hội đua bò Bảy Núi ở An Giang
Sôi động Hội đua bò Bảy Núi ở An Giang

Ngày 21/9, Hội đua bò truyền thống huyện Tri Tôn lần thứ 18 năm 2024 đã diễn ra tại Khu Thể thao du lịch Tà Pạ-Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Tham gia Hội đua bò năm nay có đôi bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn tham dự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN