Đây là nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Hồ Chí Minh: Nhu cầu và giải pháp". Tọa đàm do Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị trong Cụm thi đua số 5, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 16/9.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Trưởng ban Tuyên giáo, Đảng ủy Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nơi tái hiện di sản văn hóa của Hồ Chí Minh, để hiện hữu thường xuyên, gần gũi với người dân Thành phố; nơi truyền bá, tiếp thu, thực hành và đánh giá, làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa khẳng định sức mạnh của văn hóa Việt Nam, vừa làm cho Hồ Chí Minh trở thành tấm gương gần gũi, sinh động trong mỗi người dân Thành phố. Mặt khác, các giá trị văn hóa của Hồ Chí Minh phải trở thành tài sản tinh thần, được người dân thành phố gìn giữ, ra sức học tập, làm theo, từ đó thấm sâu vào người dân. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mang đến cho bất kỳ ai khi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh đều cảm nhận được sự lan tỏa mạnh mẽ những quan điểm của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua sinh hoạt hằng ngày.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh: Phát huy các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh gắn với Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP Hồ Chí Minh, xác định yêu cầu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ là việc quy hoạch phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa, mà còn đảm bảo hài hòa sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú hấp dẫn gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của thành phố, con người Thành phố - trung tâm của vùng đất Nam Bộ, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ thực tiễn phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Đặng Văn Khoa, Khoa Giáo dục Quốc phòng, Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Cần xác định rõ việc xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh, mà còn là việc làm tự giác, là nhu cầu khách quan để xây dựng Thành phố thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Mặt khác, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trường đại học cần được xây dựng với những hình thức đa dạng, phát huy được những thuận lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, đáp ứng được thị hiếu văn hóa, yêu cầu trải nghiệm của tầng lớp trí thức tại các cơ sở giáo dục đại học.
Là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi sáng tạo, lưu giữ và truyền bá những tri thức mới cho xã hội, các trường đại học cần thể hiện vai trò kiến tạo, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tới cộng đồng thông qua những dự án hợp tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các đơn vị ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng vũ trang để từ đó phát huy thế mạnh của các bên có liên quan trong việc chung tay xây dựng những giá trị văn hóa đặc trưng của Thành phố mang tên Bác. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các trường đại học không chỉ mang lại những giá trị tinh thần mà cần phải được chuyển thành động lực nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo đối với mỗi cán bộ, đảng viên, sinh viên và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để xây dựng đất nước.
Nhấn mạnh việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không gì khác hơn là làm cho những giá trị tinh thần của Bác hiện hữu trong cuộc sống đời thường, bà Trần Thị Mộng Trinh, Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Giao thông vận tải, cho rằng: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đi vào cụ thể. Tất cả mọi sinh hoạt, hình thức đều thấm đẫm hình tượng Bác sao cho người trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh đều nhìn thấy điều này và cảm nhận đậm nét hơn so với những nơi khác ở Việt Nam. Qua không gian văn hóa Hồ Chí Minh, họ sẽ hiểu về Bác với những cống hiến to lớn cho đất nước nói chung, miền Nam nói riêng. Sau đó, mọi lĩnh vực đời sống của Thành phố đều được giáo dục theo tinh thần của Bác.
Theo các đại biểu, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố mang tên Bác là một thiết chế văn hóa sáng tạo để xây dựng văn hóa và con người toàn diện, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của một thành phố năng động. Văn hóa được lan tỏa, được tiếp tục kiến tạo trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng của Thành phố. Các giá trị văn hóa đặc trưng được xây dựng trên nền tảng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất để thực thi các vai trò và nhiệm vụ xã hội hướng đến một xã hội tốt đẹp, một thành phố văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
"Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh có ý nghĩa văn hóa chính trị to lớn, có tính chất thường xuyên và liên tục. Do vậy, quá trình này luôn cần phải tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục tỏa sáng trên Thành phố vinh dự được mang tên Người", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.