Video tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí:
Thưa Bộ trưởng, xin ông biết cảm nghĩ của ông khi được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao?
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đề nghị và được Quốc hội phê chuẩn danh sách Bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và tôi được phân công đảm nhiệm trọng trách này, tôi rất tự hào, xúc động nhưng cũng xác định trách nhiệm sẽ rất nặng nề.
Vinh dự, tự hào vì tôi đã công tác trong ngành ngoại giao trên 35 năm. Tôi đã cùng với các cán bộ, công chức, viên chức Bộ ngoại giao đồng hành cùng với các Bộ ngành khác hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của mình. Đến bây giờ, với tư cách đứng đầu ngành, tôi sẽ tiếp tục lãnh đạo ngành phát huy truyền thống quý báu hơn 75 năm của ngành ngoại giao do Bác Hồ xây dựng.
Tự hào nữa là nước ta đang có một vị thế, cơ đồ, tiềm lực chưa bao giờ có như ngày nay. Ngành ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong cùng các lực lượng khác trong đối ngoại. Trong đó, có đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phối hợp chặt chẽ cùng với các ngành khác. Tôi sẽ phát huy vai trò của mình để đóng góp thực hiện khát vọng dân tộc ta, tầm nhìn của Đảng ta, đưa Việt Nam trở thành nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thưa Bộ trưởng, trong thời gian tới, ngành ngoại giao có những ưu tiên, chiến lược như thế nào nhằm gìn giữ hoà bình, phát triển đất nước?
Tôi nhận trọng trách này vào lúc Đại hội Đảng XIII thành công rất tốt đẹp. Đại hội Đảng XIII đề ra đường lối đối ngoại cụ thể: Kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác phát triển đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Việt Nam sẵn sàng làm bạn, là đối tác tin cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam giữ tinh thần hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng cùng có lợi.
Nhiệm vụ của tôi với tư cách là lãnh đạo ngành, cần cụ thể hoá đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII đưa ra và đưa vào thực tiễn. Kế hoạch này sẽ thực hiện trong 1 năm, 2 năm và 5 năm tới.
Để làm được điều đó, theo tôi cần có 4 ưu tiên:
Thứ nhất, cần tập trung làm sâu sắc và đưa vào chiều sâu quan hệ với tất cả các đối tác quan trọng của chúng ta. Nhất là các nước láng giềng, các nước là các đối tác chiến lược, các nước đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống. Khi Việt Nam quan hệ tốt đẹp với các quốc gia này, chắc chắn sẽ có môi trường hoà bình, ổn định; hợp tác của Việt Nam vững chắc, vững bền hơn rất nhiều.
Thứ hai, đất nước đặt ra mục tiêu phát triển rất lớn. Ngoại giao trong thời gian tới tập trung toàn lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó, có ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hoá, công tác với người Việt Nam ở nước ngoài đều phục vụ mục tiêu phát triển.
Trong thời gian tới, chúng tôi đặt trọng tâm triển khai ngoại giao kinh tế. Trong đó, Việt Nam tranh thủ được nguồn ngoại lực có yếu tố quan trọng, còn yếu tố nội lực là quyết định. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế giúp Việt Nam hội nhập nhưng đồng thời thực hiện mục tiêu khát vọng của mình. Ngoại giao vừa tham mưu, vừa hỗ trợ với mạng lưới cơ quan đại diện. Việt Nam có hơn 96 cơ quan đại diện ở nước ngoài. Chúng tôi học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các nước mô hình phát triển; hợp tác đầu tư, tranh thủ nguồn lực, trong đó có viện trợ không hoàn lại, đầu tư nước ngoài FDI trực tiếp…
Quan trọng hơn, hiện trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi cũng cần có những đột phá, mở đường vào các thị trường khác nhau. Đó là, vừa mở thị trường cho đất nước, vừa áp dụng tiếp thu công nghệ mới nhất trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong quá trình chuyển đổi số, phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ 3, vị thế quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua nâng lên rất cao. Hoạt động đối ngoại đa phương đang được chúng ta triển khai mạnh mẽ. Chúng tôi đặt trọng tâm phải tham gia tích cực, chủ động vào các diễn đàn, tổ chức đa phương. Tiếp đó, Việt Nam cần có những sáng kiến để nâng cao vị thế đất nước với tư cách một thành viên có trách nhiệm cộng đồng quốc tế.
Với tinh thần đó, trước mắt, Việt Nam cần hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong tháng 4/2021; Hoàn thành nhiệm vụ Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an trong năm 2021. Việt Nam cần tham gia tích cực vào các động khác của hoạt động Liên hợp quốc, trong đó là hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc. Về vấn đề này, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ ngành khác để triển khai hoạt động tại các diễn đàn như ASEAN, APEC, ASEM… và ở các khu vực khác.
Thứ tư, khi chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, có cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài là 5,3 triệu người… Nhưng do đại địch COVID -19, mọi hoạt động ngừng trệ, công tác bảo hộ công dân phải tăng cường.
Trước mắt, ngành ngoại giao Việt Nam đặt đây là trọng tâm quan trọng. Làm sao để người Việt Nam đang sống ở nước ngoài yên tâm trong các hoàn cảnh. Khi được cho phép về nước an toàn hoặc ở lại nước sở tại đó thì cơ quan đại diện luôn hỗ trợ tích cực. Việc làm này vừa đảm bảo vừa giữ được bản sắc dân tộc, giữ được tiếng Việt, vừa hội nhập ở nước sở tại, giúp đồng bào yên tâm, gắn bó với đất nước nhằm phát triển quê hương.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!