Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về An ninh - Quốc phòng (RUSI) ngày 6/7 đã đưa ra nhận định trên. Trước khi xảy ra “cú sốc” Brexit, kim ngạch nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự của Anh đạt trên 10 tỷ USD/năm, chủ yếu từ các nhà sản xuất Mỹ.
Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch mua máy bay vận tải C-17, máy bay không người lái Predator, trực thăng vũ trang Apache, máy bay chiến đấu F-35B... nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.
Hồi tháng 10 năm ngoái, giới chức Mỹ ước tính kim ngạch nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị quân sự của Anh có thể sẽ vượt cả Pháp và Đức cộng lại, đồng thời lớn hơn Saudi Arabia.
Tuy nhiên, giờ đây, trong bối cảnh giới phân tích dự báo đồng bảng Anh mất giá mạnh, Bộ Quốc phòng Anh sẽ phải gánh thêm chi phí phát sinh nếu tiếp tục triển khai các chương trình mua sắm vũ khí, trang thiết bị.
Về ngắn hạn và trung hạn, Brexit sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh. Vì vậy, mức chi tiêu ngân sách quốc phòng chiếm 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể không tăng trong nhiều năm tới đây, từ đó nỗ lực duy trì sức mạnh quân sự, đặc biệt là khả năng răn đe hạt nhân, cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ngoài ra RUSI còn cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua cũng đòi hỏi Anh phải xem xét lại Báo cáo Chiến lược về An ninh và Quốc phòng năm 2015.