Hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng thể chế
Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Bộ được giao 33 đề án. Đến nay, Bộ đã hoàn thành chương trình công tác đề ra. Trong đó, đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét thảo luận dự án Luật Việc làm (sửa đổi); trình Chính phủ ban hành 7 nghị định, 1 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định, ban hành theo thẩm quyền 9 thông tư.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, nhìn chung đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra góp phần hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội; làm cơ sở, tạo nền tảng pháp lý cho thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Thị trường lao động phục hồi tích cực, đạt và vượt các chỉ tiêu được giao, chủ trì xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025
Năm 2024, Bộ LĐTBXH tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức triển khai các chương trình, đề án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội.
Ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69%.
Trong năm, Bộ chủ trì xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 9 chương và 94 điều, có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn với 4 nhóm chính sách: quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững. Dự kiến, Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào tháng 5/2025.
Trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều nội dung lớn mang tính cải cách
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.
Luật được thông qua gồm 11 chương, 141 điều cùng 14 nội dung lớn mang tính cải cách, thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: Mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Bảo hiểm xã hội đã khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội với diện bao phủ ngày càng mở rộng. Năm 2024, tổng số đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Lần đầu tiên mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh tăng cao nhất 35,7%; chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục được quan tâm, đảm bảo
Năm 2024, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2.055.000 đồng lên mức 2.789.000 đồng (tăng 35,7%). Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công, thân nhân người có công.
Bộ LĐTBXH tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay đã thực hiện chi trả trợ cấp cho trên 1 triệu người có công với cách mạng; 98,6% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn; 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng trong xác nhận người có công, thực hiện tốt hoạt động quy tập hài cốt liệt sĩ, Đề án xác định danh tính liệt sĩ, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí bình quân 600 - 700 tỷ đồng/năm.
Hàng loạt mức, chuẩn trợ cấp thuộc lĩnh vực an sinh xã hội được nâng lên
Cùng với việc tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng/tháng, Bộ LĐTBXH đã tham mưu Chính phủ ban hành hàng loạt các chính sách nâng mức trợ cấp đối với các đối tượng an sinh xã hội. Việc nâng mức, chuẩn trợ cấp góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng bảo trợ xã hội.
Cụ thể, từ 1/7, thực hiện nâng mức lương tối thiểu vùng lên 6%, từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng (Nghị định số 74/2024/NĐ-CP); điều chỉnh tăng lương hưu thêm 15% trên mức lương hưu hàng tháng (Nghị định số 75/2024/NĐ-CP); nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên ,9%, từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (Nghị định số 76/2024/NĐ-CP).
Năm 2024, Việt Nam tham dự Hội nghị G7 về Hoà nhập và Người khuyết tật, được ghi nhận và đánh giá cao, là điểm sáng của Châu Á và Thế giới về quyền của người khuyết tật và bảo đảm an sinh xã hội.
Phát động Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, huy động kinh phí kỷ lục gần 6 nghìn tỷ đồng, quyết tâm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, tăng tốc, bứt phá hơn nữa trong việc chung tay xóa hết nhà tạm, nhà dột nát, không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ LĐTBXH phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi”. Chương trình đã huy động được số kinh phí kỷ lục gần 6.000 tỷ đồng.
Chương trình thể hiện sự quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước của Chính phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2025, về đích sớm trước 5 năm so với mục tiêu đề ra.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26% (giảm khoảng 5%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 01 huyện nghèo thoát nghèo.
Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành UN Women; công tác bình đẳng giới, bảo vệ và chăm sóc trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực
Trong năm, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã nhất trí bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tin tưởng Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào công tác điều hành của UN Women trong thời gian tới.
Năm 2024, Bộ triển khai thực hiện các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các bộ ngành, địa phương về công tác trẻ em; triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết quả, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 65%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu.
Tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 29,853 tỷ đồng; hỗ trợ 51.495 lượt trẻ em với kinh phí là 26,29 tỷ đồng.
Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc; lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục vượt mốc 150.000 người
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Thủ tướng Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức tại Thủ đô Seoul.
Năm 2024, tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt trên 150.000 người, đạt 120% so với kế hoạch đề ra.
Tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam tham gia Liên minh toàn cầu chống đói nghèo
Năm 2024, Bộ LĐTBXH tích cực, chủ động tham gia và thực hiện các sáng kiến quốc tế, hội nhập quốc tế thiết thực, hiệu quả, góp phần củng cố, mở rộng và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực lao động và xã hội.
Trong năm, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tham gia Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo. Đây là một trong những sáng kiến ưu tiên Brazil đặt ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình. Liên minh là sáng kiến quan trọng nhất của Brazil và cá nhân Tổng thống Lula da Silva nhằm tăng cường các nỗ lực, thúc đẩy cam kết, tài chính và các biện pháp ứng phó với đói nghèo, hỗ trợ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhất là mục tiêu xóa đói và giảm nghèo (Mục tiêu phát triển bền vững SDG 1 và SDG 2), đồng thời giảm bất bình đẳng (SDG 10), góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững khác và thúc đẩy chuyển đổi công bằng, bao trùm và bền vững tới năm 2030.
Bộ LĐTBXH là bộ, ngành đầu tiên thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt
Xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, được tiến hành kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Thanh tra đã tham mưu Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Bộ LĐTBXH là Bộ đầu tiên trong cả nước ban hành quyết định thành lập “Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”, thể hiện rõ hơn sự quyết liệt, đồng lòng, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lãng phí của Bộ; thực hiện triệt để chuyển đổi vị trí công tác không chỉ đối với công chức được phân cấp quản lý mà còn rà soát, trình Bộ điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo cấp phòng với phương châm phòng, ngừa là chính, phòng ngừa từ đầu, từ xa. Trong năm, ngành LĐTBXH đã tiếp 12.043 lượt công dân; tiếp nhận 10.583 đơn công dân; giải quyết 221 vụ khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết.
Năm 2024, công tác thanh tra, kiểm tra hành chính không chỉ tăng số lượng cuộc thanh tra, còn đổi mới nội dung và đối tượng thanh tra khi lần đầu tiên tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại các Vụ thuộc Bộ; thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật phòng, chống tham nhũng; thanh tra chuyên đề về trách nhiệm thực hiện công vụ của công chức, viên chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công cho tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được Bộ ủy quyền tại các đơn vị thuộc Bộ...
Bộ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Kết quả, có 63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội: số đối tượng đã có tài khoản mong muốn nhận trợ cấp là hơn 2,97 triệu người, (chiếm trên 60,32% trên tổng số đối tượng quản lý); số đối tượng đã được chi trả là hơn 2,77 triệu người, (chiếm 93,24% trên tổng số đối tượng đã có tài khoản, 56,24% trên tổng số đối tượng quản lý); tổng kinh phí đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt là trên 24.300 tỷ đồng.