Để không ai bị bỏ lại phía sau
Theo ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chính sách dành cho người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo thống kê, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật, trong đó 1,6 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. 342.329 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.
Năm 2023, ngân sách Nhà nước đã bố trí 31,3 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và khoảng 489 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật. Đơn cử, như năm vừa qua Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 552 tỷ đồng; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị...
"Nhờ có có các nguồn lực nên đời sống người khuyết tật được chăm lo tốt hơn với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, không ít người khuyết tật vươn lên, tạo việc làm cho những người khuyết tật khác", ông Tô Đức cho hay.
Nhân lên cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Cùng với chính sách hỗ trợ Nhà nước, việc làm cho người khuyết tật cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Chị Nguyễn Hoàng Hiệp (Hà Đông, Hà Nội) bị khuyết tật tay chia sẻ, mong muốn có được một công việc ổn định nên chị đã học một khóa về máy tính văn phòng đồng thời cũng học một khóa marketting online để sau có thể xin thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc. “Có kỹ năng và nghiệp vụ khá tốt vì vậy tôi cũng dễ xin được một công việc phù hợp. Trong quá trình làm, tôi luôn nỗ lực để hoàn thành công việc và mong rằng chính sách hỗ trợ luôn công bằng”, chị Hiệp chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Doãn An (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: Sau khi hoàn thành xong lớp học nghề về photoshop do Hội Người khuyết tật huyện Đông Anh tổ chức, tôi muốn tìm việc làm gần nhà bởi khuyết tật ở chân khó đi lại. Tuy nhiên, tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật khó khăn nếu không tự cố gắng vươn lên.
Bà Dương Thị Sinh, Chủ tịch Hội Người Khuyết tật xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: “Là người khuyết tật từng bươn trải nhiều lĩnh vực kiếm sống, tìm được công việc phù hợp rất khó. Sau này, tôi tự mở cửa hàng may, tạo sinh kế cho mình. Nay tôi mở lớp dạy học miễn phí cho 45 em khuyết tật trong xã và lân cận để các em có kiến thức và mong rằng tìm kiếm được việc làm phù hợp, nhất là những em đến tuổi trưởng thành. Mong muốn lớn nhất của các em là có việc làm để tự lập được bản thân, từ đó không còn tự ti, hoà nhập với cộng đồng. Quan trọng nhất với người khuyết tật là có việc làm tại gần nơi sinh sống”.
Do đó, thời gian qua, các lớp dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật cũng được các địa phương triển khai. Trong năm qua, Hội người mù Việt Nam mở được 91 lớp cho 1.192 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 1.421 học viên. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật...
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì đợt dịch COVID-19 vừa qua càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm trở ngại. Mất việc làm và hiện nhiều người khuyết tật khó trở lại thị trường lao động, khó tìm cho mình một công việc phù hợp để tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng và góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do đó, Trung tâm phối hợp với Hội Người khuyết tật tổ chức phiên giao dịch việc làm lồng ghép dành cho người khuyết tật tìm kiếm cơ hội việc làm cho người khuyết tật”.
Thống kê của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, hiện nay chỉ có hơn 31% số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết: "Việc làm cho người khuyết tật lâu nay vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm. Những rào cản tìm kiếm việc làm đối với người khuyết tật có nhiều nhưng tựu chung do suy nghĩ, quan điểm của người sử dụng lao động. Thứ hai do học vấn của người khuyết tật còn thấp trong khi đó hiện nay chúng ta chỉ dạy nghề được cho 20.000 lao động khuyết tật. Con số này cho thấy việc đào tạo nghề cho lao động khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu".
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, trong thời đại công nghệ số, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như việc tiếp cận, chi phí... đặc biệt là các chi phí về công nghệ khá cao nên người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận. “Công nghệ số mang lại nhiều tiện ích nhưng nó cũng có mặt trái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khuyết tật. Để giải quyết những thách thức này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước và xã hội”, ông Thanh đề xuất.
Để tránh lãng phí nguồn nhân lực này cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng trong lĩnh vực việc làm, ông Thanh cho rằng cần có sự thay đổi, nhất là về chính sách hỗ trợ thúc đẩy nguồn lực lao động là người khuyết tật, đồng thời thay đổi về nhận thức, tư duy của doanh nghiệp và có chính sách bảo đảm tỷ lệ người khuyết tật có việc làm nhiều hơn trong thời gian tới.
Ông Tô Đức cho biết, Cục Bảo trợ xã hội đang phối hợp với đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật; nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi). Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho người khuyết tật; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho đối tượng người khuyết tật…
Cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật cũng được các hội, tổ chức đẩy mạnh mang tới nhiều cơ hội hơn, nhất là việc làm cho người khuyết tật.