Đồng hành với bệnh nhân lao
Trước đây, thuốc chống lao hàng 1 được cấp miễn phí để người bệnh điều trị lao nhưng bắt đầu từ tháng 7/2022 bệnh viện triển khai cấp thuốc chống lao hàng 1 bằng nguồn Quỹ BHYT. Đến nay sau hơn 1 năm triển khai tấm thẻ BHYT đã thực sự là người bạn cứu cánh cho bệnh nhân lao, nhất là những trường hợp phải điều trị dài ngày.
Gia đình ông N.H.H ở Tứ Kỳ, Hải Dương từ nhiều năm nay đều mua thẻ BHYT cho cả gia đình do nhận thấy tầm quan trọng của nó nếu không may gặp rủi ro về sức khỏe. Đầu năm nay, trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ ông phát hiện mình mắc lao. “Vốn có chút nhận biết về căn bệnh này nên tôi đã chuẩn bị tinh thần cũng như kinh phí để điều trị nhưng thật không ngờ trong suốt 6 tháng điều trị tích cực bệnh lao, tôi được BHYT chi trả 100%. Mỗi tháng tôi chỉ tự chi thêm gần 2 triệu đồng dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe”, ông N.H.H phấn khởi chia sẻ.
Cũng nhờ có tấm thẻ BHYT từ sự hỗ trợ của dự án Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), N.V.T, một người lao động tự do ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã thực sự vượt qua cửa tử do đồng thời mắc bệnh lao và HIV. Thực tế cho thấy, có đến 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí vượt quá 20% thu nhập hàng năm của gia đình cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Điều đáng nói là, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động và phần lớn khó khăn.
Trung bình một người mắc lao sẽ mất đi từ 3 - 4 tháng lao động. Sự nghèo khó lại càng đưa người bệnh lao và gia đình vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Sớm có chính sách hỗ trợ BHYT cho bệnh nhân lao nghèo
PGS-TS Nguyễn Bình Hoà, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia cho biết, khả năng tiếp cận chẩn đoán vẫn là một rào cản đáng kể đối với việc chăm sóc và điều trị lao.
Việt Nam đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.
Gánh nặng về bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn cao nhưng việc sàng lọc, phát hiện các ca lao mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện còn có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện.
"Hậu quả của việc chẩn đoán chậm là gia tăng nguy cơ lây lan bệnh lao trong cộng đồng và làm chậm trễ trong điều trị đã dẫn đến gia tăng số ca tử vong do lao", Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Điều này có thể thấy qua việc khám sàng lọc tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), nơi có hơn 5.600 nhân khẩu với 70% là đồng bào dân tộc. Đợt sàng lọc lao chủ động miễn phí do SCDI và Trung tâm y tế huyện Krông Pa thực hiện mới đây đã phát hiện 13 người có bất thường nghi lao được chỉ định lấy mẫu đờm làm xét nghiệm Gene-Xpert và 27 người được tiêm thuốc Mantoux xét nghiệm lao tiềm ẩn.
Trong số những người nghi mắc lao, có nhiều người không có BHYT, đồng nghĩa với việc nếu mắc bệnh lao, họ sẽ phải mua thuốc với chi phí đắt đỏ trong khi nhà nghèo điều kiện kinh tế eo hẹp thì việc được điều trị dứt điểm bệnh lao là rất khó khăn. Ngay cả khi bệnh nhân bắt đầu mua BHYT lúc vừa phát hiện mất lao, cũng sẽ phải tự chi trả chi phí điều trị, thuốc men trong thời gian đợi thẻ có hiệu lực, đây đó cũng là một chi phí không nhỏ với các gia đình khó khăn.
Đề cập về những khó khăn trong công tác phòng chống lao bà Ksor H’Đông, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, nhờ chương trình khám sàng lọc lao miễn phí của SCDI người dân trong xã đã được sàng lọc từ 1 đến 2 lần. Những buổi sàng lọc lao miễn phí này đã phát hiện nhiều người mắc lao. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ miễn phí mua thẻ BHYT tuy nhiên so với số người dân cần sự hỗ trợ còn rất lớn. Chính vì vậy, rất cần có những chính sách để tăng bao phủ BHYT cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn nói chung và hỗ trợ cấp, thẻ BHYT miễn phí cho những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn nói riêng.
“Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu sống bằng đi làm thuê, làm nương, rẫy. Vì thế mua thẻ BHYT tự nguyện rất khó khăn, nếu mua 1 người, 2 người thì cố được chứ mua cả gia đình không có khả năng nên tỷ lệ họ tham gia BHYT thấp dẫn đến họ đi khám bệnh thấp. Họ có ho, có sốt, có sụt cân, không có BHYT đi khám nên chỉ đi mua thuốc ngoài hiệu thuốc uống. Trong khi đó để điều trị bệnh kéo dài như bệnh lao, nếu không có BHYT sẽ rất khó khăn trong điều trị bệnh. Chính vì vậy mà không ít trường hợp đã phải trì hoãn khám, điều trị bệnh”, bà Ksor H’Đông cho biết.
Trước những khó khăn của bệnh nhân lao, các tổ chức xã hội, ban, ngành, địa phương… đã có nhiều sáng kiến giúp đỡ người yếu thế như: Tư vấn, tuyên truyền để bệnh nhân thấy được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT trong điều trị bệnh. Đối với người nghèo, một số đơn vị triển khai tặng thẻ BHYT. Nhờ triển khai chương trình này, nhiều bệnh nhân đã được điều trị kịp thời, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng, trong đó có những chính sách hỗ trợ để bệnh nhân mãn tính, bệnh nhân lao… dễ dàng tiếp cận BHYT hơn.
Liên quan đến chính sách BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, BHXH Việt Nam đã có kiến nghị Chính phủ để đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ BHYT.
Cũng theo ông Đào Việt Ánh, trước đây việc hỗ trợ thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên khi sửa đổi, rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số chưa được Nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT.
“Chúng tôi cũng đã có kiến nghị trong việc sửa đổi Nghị định 146 của Chính phủ về BHYT, trong đó chúng tôi đã đưa đối tượng này là đối tượng được Nhà nước hỗ trợ. Trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc hỗ trợ. Trước đây chúng ta tính có 2 triệu người chưa được hưởng nhưng hiện nay đã có 70% trong số này được các địa phương hỗ trợ mua BHYT. Như vậy còn một số đối tượng chưa được hưởng, chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 146, trong đó toàn bộ người dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ tham gia BHYT”, ông Đào Việt Ánh thông tin.