Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 23 giờ ngày 7/9, các cấp chính quyền đã di dời 133 hộ dân ra nhà văn hóa thôn; 31 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 6 trường học bị tốc mái; 370,5 ha lúa bị đổ, 7 ha bị ngập; gẫy đổ 3.540 cây xanh đô thị và 7,6 ha cây ăn quả. Mưa dông cũng làm hơn 300 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi, nhiều chuồng trại bị tốc mái; gẫy đổ và hư hỏng 31 cột điện, 2 trạm biến áp; sạt lở bờ sông…
Lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để hỗ trợ các gia đình khắc phục hậu quả, ổn định đời sống; rà soát, kiểm tra, thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra để có phương án ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả.
Các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” canh gác tại các khu vực cầu tràn, đường bị ngập sâu đảm bảo an toàn nhất cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Các lực lượng cũng tích cực, khẩn trương thu dọn cây đổ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, khắc phục sự cố về lưới điện kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất, sửa chữa nhà ở, trường học, … ổn định đời sống người dân sau thiên tai.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có mưa to do tác động của hoàn lưu bão số 3. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong các ngày 8- 9/9, trong khu vực sẽ có mưa to đến rất to và dông, lượng mưa dao động từ 150- 230 mm, nguy cơ ngập úng các ngầm tràn, tuyến đường giao thông tại các đô thị gây ách tắc giao thông, sạt lở đất tại vùng núi,…