Thạc sĩ Nguyễn Thi, Giảng viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các sản phẩm từ nhựa có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ, đem lại rất nhiều tiện ích cho đời sống con người nên ngày càng được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, khi lượng rác thải nhựa ngày càng tăng sẽ càng gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thi, nếu như năm 1950, cả thế giới sử dụng 1,5 triệu tấn nhựa/năm thì đến năm 2024 đã vượt hơn 4 triệu tấn nhựa/năm và có tới 75% nhựa được thải ra môi trường. Tại Việt Nam, việc sản xuất nhựa và tiêu thụ nhựa đạt mức rất cao. Nếu như năm 1991, một người dùng 3,8 kg nhựa/năm thì đến năm 2008 đã tăng lên 40 kg nhựa/năm. Sản phẩm nhựa được sử dụng chủ yếu là các sản phẩm bao bì, túi ni lông…
Hiện trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa nhưng chỉ 10% được tái chế, gần 90% còn lại được đem đi chôn lấp hoặc thải ra môi trường. Các loại rác thải nhựa theo thời gian bị phân rã thành mảnh nhựa, vi nhựa lẫn vào môi trường đất, nước, không khí... khiến cho con người, động vật ăn phải, đe dọa đến sức khỏe. Riêng các loại rác thải nhựa được xử lý bằng phương pháp đốt sinh ra các loại khí độc ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng sức khỏe, tình trạng miễn dịch...
“Với thực trạng trên, nếu không giảm lượng rác thải nhựa và rác thải nhựa được phân loại từ nguồn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của chúng ta. Vì vậy, đã đến lúc, chúng ta cần tối ưu hóa quá trình tái chế rác thải nhựa bằng việc đẩy mạnh hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác thải từ nguồn, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa”, Thạc sĩ Nguyễn Thi nói.
Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, ông Đỗ Thái Vương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Đối ngoại và Truyền thông, Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam cho biết, với cam kết thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đơn vị đã tiên phong thúc đẩy các sáng kiến bao bì bền vững nhằm tái chế bao bì trong sản xuất của đơn vị. Việc này đã và đang chung tay với cộng đồng, xã hội giải quyết các thách thức về chất thải nhựa, hướng đến kinh tế tuần hoàn cho vật liệu rắn. Với hành động này, mỗi năm đơn vị trung bình giảm khoảng 5.700 tấn nhựa nguyên sinh trong sản xuất, tương đương giảm phát thải 23 nghìn tấn carbon ra môi trường.
Để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa trong giới trẻ, Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng chung trên thế giới. Với thực trạng tại Việt Nam, rác thải nếu được phân loại từ nguồn không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình tái chế mà còn giảm đáng kể chi phí và hạn chế ô nhiễm môi trường. Vì vậy, các bạn sinh viên - những người trẻ cần có những hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa để có thể kéo giảm việc sử dựng rác thải nhựa, tích cực chung tay đẩy mạnh công tác tuyên truyền để dần dần thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong sử dụng rác thải nhựa, tăng cường hiệu quả phân loại rác tại nguồn.