Theo bài nghiên cứu này, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada đang có tiềm năng to lớn trong việc góp phần tạo ra mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Việt Nam.
Việt Nam là một đối tác tiềm năng và có thể đóng một vai trò quan trọng. Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN mà còn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á và có dân số trẻ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng để Canada phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam thì việc hiểu sâu hơn về động lực mà chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy là rất quan trọng. Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện là an ninh kinh tế - điều không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam đang nổi lên như một trong những câu chuyện thành công của khu vực.
Việt Nam quyết tâm trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, nhưng lại phải đối mặt với tình trạng mất an ninh năng lượng, nguồn nước và đang ngày càng cảm nhận rõ tác động của biến đổi khí hậu. Những thách thức cũng như cơ hội lớn của Chính phủ Việt Nam tập trung trong một khu vực, đó là Đồng bằng sông Cửu Long.
Là nơi sinh sống của 20 triệu người và là “vựa lúa” của Việt Nam, nước sản xuất lúa gạo lớn thứ ba thế giới, khu vực này rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Khu vực này cũng đang hỗ trợ cho một số ngành công nghiệp, gồm dệt may và sản xuất điện tử, liên kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo nhóm nghiên cứu, điều đáng báo động là sông Mê Công - huyết mạch của khu vực - đang bị đe dọa do tình trạng thiếu nước trầm trọng do các đập thủy điện ở thượng nguồn cùng với những ảnh hưởng của các hoạt động phát triển không bền vững và biến đổi khí hậu. Dự báo Đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp diễn.
Thậm chí ngày nay, khu vực này đang phải chịu áp lực môi trường nghiêm trọng. Tại thành phố Mỹ Tho, một cảng thủy nội địa ở tỉnh Tiền Giang, người dân phải chèo thuyền để đi làm vì lũ lụt quá mức do thủy triều dâng.
Ở các khu vực khác tại đây, đã xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt trong tháng 4. Hạn hán và xâm nhập mặn từ biển đã trở nên nghiêm trọng đến mức hàng nghìn người buộc phải xếp hàng chờ lấy nước uống từ xe bồn. Hàng nghìn nông dân phải chịu thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Canada có chuyên môn về công nghệ nông nghiệp, công nghệ sạch và quản lý nước ngọt. Đây là tất cả các lĩnh vực mà Việt Nam coi là quan trọng đối với sự ổn định về kinh tế và môi trường ở vùng đồng bằng này. Canada có thể tận dụng những điều này để chứng tỏ là đối tác tích cực và đáng tin cậy của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.
Canada đã có một số dự án đáng chú ý ở Việt Nam, trong đó có dự án thành lập Trường Cao đẳng cộng đồng Trà Vinh.
Gần đây hơn, Canada có một phái đoàn thương mại đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đã cung cấp 40 triệu USD để giúp Việt Nam hiện thực hóa các dự án phát triển hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện.
Tháng 11/2023, Canada đã trở thành đối tác tài trợ của Ủy ban sông Mê Công, cơ quan quản lý tuyến đường thủy xuyên biên giới này.
Mặc dù đây là những bước phát triển đáng hoan nghênh, nhưng vẫn còn hàng loạt cơ hội để Chính phủ Canada có thể hợp tác nhiều hơn với Việt Nam về quản lý khí hậu và nguồn nước. Canada có nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước xuyên biên giới, gồm khuôn khổ đã được thiết lập để các tỉnh bang, vùng lãnh thổ và Chính phủ Ottawa có thể hợp tác cùng nhau trong việc quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông Mackenzie.
Canada cũng có thể đầu tư vào lĩnh vực nước sạch của Việt Nam, ngành cần tới 2,7 tỷ USD để đạt được mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng nguồn cung cấp nước sạch vào năm 2050. Với tình trạng khẩn cấp của Tiền Giang, đây là lĩnh vực mà Canada có thể hỗ trợ về kinh nghiệm và chuyên môn của mình.
Bài viết cũng cho rằng Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu 2/3 lượng gạo sang các nước ASEAN vào năm tới và đó là cơ hội để Canada thực hiện các cam kết với tư cách là đối tác chiến lược khu vực nhằm đảm bảo an ninh lương thực và chống biến đổi khí hậu. Canada có thể sử dụng các giải pháp công nghệ nông nghiệp để hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp ít carbon và giúp nông dân ở tiểu vùng sông Mê Công thích nghi. Canada cũng có thể chia sẻ kiến thức chuyên môn về công nghệ sạch để cung cấp giải pháp cho những tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam và các đối tác khác, bao gồm cả Thái Lan, Lào và Campuchia, đang phải đối mặt.
Một cách khác để Canada có thể đạt được các mục tiêu ở khu vực và hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long là hợp tác với các đồng minh đã thiết lập hiện diện lâu dài và đáng kể ở đây. Các nước này gồm Australia, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc – những quốc gia mà Canada đã có mối quan hệ chặt chẽ.
Bài nghiên cứu kết luận rằng Chính phủ Canada không thể bỏ lỡ thời điểm này. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada giúp nước này có vị thế chắc chắn để trở thành đối tác đáng tin cậy nhằm giúp Việt Nam, một trong những quốc gia quan trọng nhất ở Đông Nam Á, đối mặt với những thách thức ở Đồng bằng sông Cửu Long.