Lãng phí kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội
Theo Tiến sỹ Phan Tân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) hiện nay, bên cạnh tệ nạn tham nhũng thì vấn nạn lãng phí cũng đang kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội hết sức nghiêm trọng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây về chống lãng phí đã khái quát một cách toàn diện các dạng thức lãng phí đang phổ biến - đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang triển khai các đại dự án lớn như: Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, các sân bay, cảng biển... phục vụ cho việc phát triển trên các lĩnh vực thì việc đưa ra định hướng giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí để các cấp, các ngành, lĩnh vực, các tổ chức cá nhân tổ chức triển khai thực hiện là rất cần thiết.
Để công tác phòng, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, theo Tiến sỹ Phan Tân, các cấp, bộ ngành, chính quyền địa phương cần có các hành động cụ thể như: Đưa nội dung cụ thể chống lãng phí đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức... vào trong các cuộc sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên đề, trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị của chính cơ quan, tổ chức, ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, đặc biệt là kiểm tra giám sát kịp thời khi có ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng lãng phí. Đặc biệt, nội dung thực hành tiết kiệm cần trở thành một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại quan trọng nhất của năm ở mỗi cơ quan đơn vị; có hình thức xử lý kịp thời theo mức độ đối với tình trạng lãng phí…
“Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cho nên cần thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bởi trong quá trình xây dựng pháp luật, bất kỳ một đạo luật nào cũng phải tính đến hiệu quả. Hơn nữa, các đạo luật là để quản lý nhà nước, vấn đề làm sao để các quy định bảo đảm hiệu quả cao nhất trong quản lý nhà nước thì đó cũng chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Tiến sỹ Phan Tân nhấn mạnh.
Tránh hô hào khẩu hiệu
Thượng tá Nguyễn Đình Kỷ, đảng viên hưu trí huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho rằng, thực trạng hiện nay cho thấy, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người. Việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn có nơi có chỗ chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Những nguyên nhân căn bản khiến cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn có nhiều hạn chế là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến những lợi ích của bản thân, vì bản thân. Căn nguyên sâu xa của việc lãng phí của công chính là lối sống thực dụng, ích kỷ dẫn đến việc mỗi người chỉ quan tâm nhất đến quyền lợi vật chất của cá nhân mình, không vì tập thể và lối sống ấy sẽ dẫn đến tư duy không nỗ lực vì lợi ích chung.
Thượng tá Nguyễn Đình Kỷ cho hay, thời gian qua, tham nhũng gắn liền với lãng phí và chỉ được xử lý cùng tham nhũng như một hệ lụy kéo theo. Trong khi hiện tượng lãng phí với nhiều biểu hiện đa dạng gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
“Lấy ví dụ, một hiện tượng lãng phí mà chúng ta rất dễ nhìn thấy đó là cứ “đến hẹn lại lên”, vỉa hè "đang yên đang lành" lại bị bới tung lên để sửa chữa hay việc sắp xếp nhà, đất, trụ sở làm việc của các cơ quan, địa phương sau khi sáp nhập còn chậm, chưa hiệu quả. Thậm chí một số trụ sở của các cơ quan đã di dời nhưng trụ sở cũ lại bỏ không, gây lãng phí không nhỏ…”, Thượng tá Nguyễn Đình Kỷ nhấn mạnh.
Vì vậy, Thượng tá Nguyễn Đình Kỷ đề xuất, thời gian tới các cơ quan chức năng cần xem xét lại các tiêu chí, quy định đánh giá về việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng chỉ hô hào khẩu hiệu, không ai bị xử lý khi để xảy ra tình trạng lãng phí ở địa phương, cơ quan mình.