Dán mắt vào máy tính
Từ khi nghỉ hè, em HL, học sinh lớp 5, trường tiểu học Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên vào máy tính chơi games. “Bố mẹ đi làm nên bọn trẻ ở nhà làm bạn với tivi và máy tính. Ngoài giờ đi bơi, tập thể thao, bọn trẻ tìm cách giải trí với các trò chơi sẵn có trên mạng”, chị Diệu Linh, mẹ em HL chia sẻ.
Tương tự, em Trần VT (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm), học sinh lớp 7 cũng dành thời gian nghỉ hè để chơi games. “Lúc đầu tôi cũng cấm, chỉ cho con chơi khung thời gian nhất định. Tuy nhiên, khi chưa có hoạt động hữu ích khác, tôi đành chuyển hướng sử dụng phần mềm kiểm soát bọn trẻ truy cập internet. Biện pháp chống chơi games thiết thực là cho học thêm các câu lạc bộ hè để giảm thời gian chơi games trên mạng”, chị Bích Hà, mẹ em Trần VT chia sẻ.
Số liệu khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2023 cho thấy, có 89% trẻ em truy cập và sử dụng internet, 87% trong số đó sử dụng internet hàng ngày. Ngoài thời gian dành cho việc học, trung bình trẻ em sử dụng từ 5 - 7 tiếng/ngày vào mạng xã hội. Trong khi đó, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 tiếng/ngày.
Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam cũng cho biết, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng.
Trang bị "vaccine số" để phòng ngừa cho trẻ em
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Có 5 nhóm nguy cơ với trẻ em khi tiếp xúc không gian mạng: Nhóm nguy cơ thứ nhất là tiếp xúc với các thông tin độc hại. Internet bên cạnh thông tin tích cực cũng có rất nhiều thông tin tiêu cực chưa được kiểm soát tốt. Đó là những thông tin về khiêu dâm, thông tin về bạo lực, thông tin về ma túy, hành vi tiêu cực xuất hiện trên mạng... mà trẻ dễ tiếp cận khi sử dụng điện thoại hàng ngày. Khi tiếp xúc những thông tin tiêu cực, trẻ em có thể nảy sinh suy nghĩ và hành động lệch lạc, nếu tần suất tiếp xúc ngày càng nhiều thì càng nguy hiểm.
Nhóm nguy cơ thứ hai là việc phát tán thông tin riêng tư. Đặc biệt, chính những phụ huynh là những người vô tình làm phát tán viên mà lại không biết rằng theo luật thì hành vi này cấm với trẻ em trên 7 tuổi. Hiện nay, có những thông tin cá nhân rất quan trọng đối với con người và đặc biệt với trẻ em. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc đăng thông tin cá nhân như danh tính, hình ảnh thì nguy cơ đối với con em ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí hiện nay có những loại tội phạm đi săn lùng trẻ em, chỉ chờ sơ hở thông tin để dụ dỗ, thậm chí có những hành vi như: Bắt cóc, hiếp dâm.
Nhóm nguy cơ thứ ba là việc nghiện mạng xã hội, nghiện game, nghiện internet. Theo số liệu thống kê, có khoảng 70 - 80% trẻ em từ 10 - 15 tuổi chơi game, trong đó có khoảng 10 – 15% rơi vào tình trạng nghiện game, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Trẻ dễ rơi vào cuộc sống không thực tế, rơi vào những hình ảnh trong game, dẫn tới sức khỏe, tinh thần không tốt. Đáng nói là, khi đã nghiện rồi thì công tác cai nghiện rất khó.
Nhóm nguy cơ thứ tư là việc bắt nạt trực tuyến. Cũng có thể là tung một tin đồn hoặc nhắn những tin tiêu cực gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Nguy hiểm hơn là điều này có thể khiến cho trẻ rơi vào tình trạng lo âu, hoảng sợ, thậm chí đã có những tình huống rất xấu là dẫn đến tự tử. Trường hợp nữa là đánh nhau, sau đó quay clip đưa lên mạng. Nếu nhà trường với phụ huynh không can thiệp kịp thời, có thể sẽ dẫn trẻ đến những hành vi tiêu cực. Theo một số nghiên cứu, % người dân ở 32 quốc gia nói rằng họ từng liên quan đến vụ bắt nạt. Tại Việt Nam con số này khoảng 51 % người dùng mạng, bao gồm 48% người trưởng thành và 54 % thanh thiếu niên cho biết họ từng có liên quan đến vụ bắt nạn liên quan đến đối tượng bị bắt nạt hay có tham gia vào quá trình và thậm chí là chứng kiến những bắt nạt đó.
Nhóm cuối cùng rất nguy hiểm, là việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ vào các hành vi như: Quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, đóng tiền hoặc thậm chí ép tham gia những hành động phi pháp. Chúng ta thấy tình trạng lừa đảo trên internet rất nhiều và trong đó rất nhiều cháu nhỏ dưới 16 tuổi bị dụ dỗ tham gia. Tức là bình thường có thể tham gia dẫn dụ là vào hành động phi pháp như các hành động tiêu cực như tham gia hoạt động mại dâm, post những hình ảnh khiêu dâm, lừa đảo, dụ dỗ và sau đó thì dẫn dụ đi vào những đường dây lừa đảo. Các đối tượng đã lợi dụng các cháu để đi lừa đảo những việc khác.
“Sẽ có nhiều hành vi khác dần phát sinh khi mà môi trường internet có sự tham gia của trẻ nhiều hơn. Rủi ro hiện nay đối với trẻ em trên internet là rất lớn. Xã hội và đặc biệt là gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú ý tới các em khi tham gia vào môi trường internet”, ông Nguyễn Đức Tuân khuyến cáo.
Clip ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ về giải pháp giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em trên không gian mạng:
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho rằng: “Trước hết, phải nhấn mạnh tính song trùng, tính hai mặt của không gian mạng nói chung và internet nói riêng đối với người sử dụng cũng như đối với trẻ em, đặc biệt là đối với trẻ em và người chưa thành niên. Chúng ta cần phải tạo “vaccine số” cho trẻ em và người chưa thành niên nói riêng và người dân nói chung, những người tham gia vào hoạt động trên môi trường mạng. “Vaccine số” là một quá trình tiếp thu, học hỏi; từ kiến thức, từ nhận thức trở thành các kỹ năng ứng xử, kỹ năng ở trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Chúng tôi cho rằng, đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận có tính chất nguyên tắc, diễn biến để chúng ta không chỉ là ứng cứu, ứng phó mà chúng ta phải có sự phòng ngừa và ngăn chặn tốt hơn”.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những quy định pháp lý để góp phần bảo vệ an toàn trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một chương trình về hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. "Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em đã chủ động tham mưu cho Bộ trưởng để xây dựng kế hoạch của Bộ trong thực hiện Quyết định 830 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025. Chúng tôi cũng đã tham gia vào Bản quy chế phối hợp liên ngành, giữa ba ngành đóng vai trò chủ chốt trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng gồm: Thông tin truyền thông; Công an; Lao động thương binh và xã hội. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các đơn vị thuộc Bộ là một trong những thành viên tích cực của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP). Trong đó có sự tham gia rất tích cực của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an”, ông Đặng Hoa Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Cục Trẻ em cũng là đơn vị trực tiếp quản lý Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đây là dịch vụ kết nối giữa yêu cầu, nhu cầu của người dân, của trẻ em, của các bậc cha mẹ đến các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ kịp thời trẻ em ở trong đời thực cũng như trên không gian mạng. Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em ngoài chức năng là đường dây nóng, tiếp nhận các thông tin tố cáo, tố giác về các hành vi xâm hại trẻ em kể cả trên môi trường mạng, còn là đường dây tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, các bậc cha mẹ, người quan tâm đến bảo vệ trẻ em để có thể thực hiện chuyển tuyến, chuyển hóa giữa các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em.
Ông Nguyễn Đức Tuân cho rằng: “Chúng tôi cũng đã đưa ra một số biện pháp kỹ thuật. Ví dụ như những công cụ có thể giúp cha mẹ kiểm tra xem trang web mà trẻ em truy cập vào có mức độ độc hại thế nào, có nên truy cập hay không. Hiện nay, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên trường mạng có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức nhà nước và các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, quốc tế cũng tham gia chung tay bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức phòng chống các hình thức xâm hại trẻ em vẫn là ưu tiên hàng đầu”.