Thử sức nhiều lĩnh vực
Nguyễn Lê Thảo Anh là một trong ba thí sinh của Việt Nam xuất sắc giành Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2021 (IChO). Thảo Anh đã vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì có thành tích xuất sắc trong kỳ thi này và nhiều thành tích khác.
Giờ đây, Thảo Anh trở thành sinh viên năm thứ nhất, ngành Dược học, Trường Đại học Melbourne (Úc). Nhưng để xác định được niềm yêu thích với Hoá học, với Thảo Anh là cả chặng đường thử sức ở nhiều môn học.
Thảo Anh cho biết: “Khi bắt đầu vào lớp 8, em băn khoăn liệu môn Toán có phải là thế mạnh của mình? Để tìm ra câu trả lời, em đã thử nhiều môn chuyên như: Toán, Hoá, Văn, và thi cả học sinh giỏi Lịch sử… Thời gian này, em cảm thấy rất chật vật. Đến giữa kỳ 1 lớp 9, em nhận ra môn Hoá học là thế mạnh của mình. Đây cũng là định hướng để em bước vào cấp THPT sẽ học môn chuyên gì”.
Nguyễn Lê Thảo Anh từng tham gia các cuộc thi cấp thành phố về Lịch sử; cuộc thi cấp quốc gia về Hóa học; đạt kết quả 8.0 IELTS; đạt điểm SAT 2 tối đa 1600/1600... Trong danh sách giải thưởng quốc tế mà Thảo Anh đã đạt được có những Huy chương Vàng cá nhân kỳ thi Olympic Khoa học trẻ Quốc tế lần thứ 15, Huy chương Vàng cá nhân kỳ thi Olympic quốc tế dành cho các thành phố lớn lần thứ V...
Tuy nhiên, Thảo Anh cho rằng: “Thành tích là bề nổi và như trailer cho một bộ phim “siêu dài”. Bởi mỗi người có một tốc độ, câu chuyện cho riêng mình. 5 năm trước, cũng có lúc em đã trải qua những cảm xúc như mông lung, tự ti ... tuy nhiên, em đã cố gắng kiên trì".
Thảo Anh nhớ lại những ngày đầu bước chân vào trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam: “Cảm giác đầu tiên là mình rất nhỏ bé trước nhiều “siêu nhân", và đó là áp lực khiến em không tận hưởng được việc học tập. Gạt suy nghĩ đó, em học với tinh thần tận hưởng môn học, ai học hơn, hay học kém hơn không định nghĩa được bản thân mình. Từ đó, em thấy tinh thần được cải thiện và điểm số tốt hơn”, Thảo Anh nói.
Thái độ học tập này không chỉ dành cho môn Hoá học, Thảo Anh áp dụng với các môn học khác nhau với tinh thần học hỏi, tìm tòi kiến thức và tận dụng tối đa thời gian tiếp thu bài giảng cùng thầy cô. Từ đó, việc làm bài tập dễ dàng hơn.
Khát vọng cống hiến
Không chỉ thể hiện bản thân trong học tập, Thảo Anh còn tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp, của trường và hoạt động xã hội. Đó là làm MC tại cuộc thi hùng biện tiếng Anh cho học sinh THCS (English Speaking Contest for Secondary Students) 2018; Diễn giả booth Hoá học tại chương trình định hướng cho học sinh chuẩn bị bước vào THPT Maska 2019. Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều bạn học sinh lớp 8, lớp 9 trên khắp thành phố Hà Nội, giúp các em giải đáp những thắc mắc liên quan đến kỳ thi vào lớp 10 cũng như định hướng môn chuyên ở bậc THPT; Giữ vị trí trưởng ban PR dự án khoa học P.R.I.S.M.: The color of Science 2020, tham gia thiết kế cuộc thi viết truyện mang yếu tố khoa học Le Spectre cùng dự án. Dự án và cuộc thi được thực hiện dưới hình thức online đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn các bạn học sinh, sinh viên đến từ mọi miền đất nước và khuyến khích, động viên các bạn trẻ có niềm đam mê với khoa học sáng tạo nhưng không có nhiều cơ hội được thể hiện bản thân trong bối cảnh dịch COVID-19.
Thảo Anh chia sẻ: “Làm dự án cũng rất bận, nhất là cùng thời điểm với việc ôn luyện. Nhưng với tinh thần lan toả tình yêu khoa học, em lại luôn tự nhắc mình đây là lựa chọn của mình, được làm những gì mình muốn. Do đó em tiếp tục cố gắng”.
Thần tượng của Thảo Anh là nhà khoa học người Mỹ, Frances Hamilton Arnold. Năm 2018, bà đã nhận một nửa giải Nobel Hóa học, nửa còn lại cho hai nhà khoa học khác. Bà đi tiên phong trong các phương pháp tiến hóa trực tiếp để tạo ra các hệ thống sinh học hữu ích, bao gồm các enzym, các con đường trao đổi chất, mạch điều tiết di truyền và sinh vật.
Thảo Anh cho biết: “Em đã nghe những bài giảng hoá sinh của bà trên Youtube. Có thể thấy niềm đam mê và tâm huyết với khoa học của bà qua bài giảng. Em mong mình cũng có thể trở thành nhà khoa học như thế. Một ngày nào đó em sẽ được đứng trước mọi người nói về ý tưởng khoa học của mình". Thảo Anh cho biết, nhiều bạn nữ theo con đường khoa học cũng phải cân nhắc rất nhiều.
Với Thảo Anh, việc đi du học cũng có nhiều kế hoạch về khoa học sau này ở nước nhà như lời Chủ tịch nước nói khi gặp đoàn học sinh đoạt giải Olympic quốc tế: “Các con đi đâu, ở đâu cũng nhớ quê hương của mình là Việt Nam và trở về đóng góp cho quê hương, Tổ quốc”.
Cô tân sinh viên Trường Melbourne cho rằng, không quan trọng bắt đầu từ khi nào, bao giờ mà quan trọng là kiên trì đến cuối. Có những người học tiến sĩ rồi nhưng lại chuyển một hướng khác. Điều đó cho thấy, thà chọn muộn chứ không chọn sai. Mỗi người có một mốc thời gian cho riêng mình, đừng vì mốc thời gian của xã hội đặt ra hay đừng ép mình phải trả lời khi bản thân chưa có được.
“Bản thân em có thời gian bị thành tích định nghĩa bản thân, nhưng điều em học được là kiến thức, sự trải nghiệm cũng như kiên trì. Nhìn lại quá khứ, em cảm thấy thật đẹp vì mình đã cố gắng, học tập như thế. Em thấy sự nỗ lực ấy lấp lánh, toả sáng hơn là huy chương. Tinh thần cốt lõi của em là biết yêu thương bản thân mình, tìm ra điều mà bản thân mình muốn trở thành nhất trong tương lai"- Thảo Anh tâm sự.
Nguyễn Lê Thảo Anh là chân dung mang tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo và cống hiến của người trẻ Việt Nam hiện nay.