Căn cứ của việc điều chỉnh này là Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công gắn với lương cơ sở.
Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%, cao hơn 5,7% so với mức tăng lương 30% của công chức); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.
“Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công này đã được Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị”, Bộ LĐTBXH cho biết, riêng với mức chi chế độ điều dưỡng trong dự thảo nghị định trên, Bộ đề xuất thời gian tăng bắt đầu từ 1/1/2025, thay vì từ 1/7 tới đây.
Về điều này, Bộ lý giải, do quy định hiện hành danh sách người được điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà được lập trong quý I của năm và căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, Giám đốc Sở LĐTBXH quyết định thời gian điều dưỡng cụ thể.
Cùng với đó, việc triển khai chế độ điều dưỡng được thực hiện xuyên suốt trong năm nên thời điểm hưởng chế độ của các đối tượng là khác nhau.
Nếu quy định thời gian hưởng chế độ điều dưỡng từ 1/7 thì chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện theo hai mức chuẩn: 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,055 triệu đồng; 6 tháng cuối năm 2024 thực hiện theo mức chuẩn 2,789 triệu đồng.
Như vậy, số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn số tiền hưởng chế độ điều dưỡng của những đối tượng thuộc danh sách hưởng chế độ điều dưỡng 6 tháng cuối năm 2024.
Vì vậy, để đảm bảo các đối tượng hưởng chế độ điều dưỡng trong năm 2024 được thực hiện thống nhất cùng một mức chi thì thời điểm điều chỉnh tăng mức chi chế độ điều dưỡng phải thực hiện từ đầu năm 2025.
Trước đó, tại hội nghị giao ban công tác tháng 6, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung lưu ý, thời gian từ nay đến ngày 1/7 còn không nhiều, Bộ tập trung xây dựng 3 nghị định về tiền lương tối thiểu vùng, lương hưu, hướng dẫn chi trả chế độ đối với cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thông tin, theo đề xuất của Chính phủ, từ 1/7 tới đây hàng triệu người sẽ được tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH; trợ cấp ưu đãi người có công cũng sẽ tăng 35,7%.
Việc thực hiện đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 28 Trung ương khóa 12 và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ. Để triển khai các chính sách này, Chính phủ đề nghị cho phép mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.
Những đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm:
- Người có công với cách mạng, gồm có:
+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;
+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Liệt sĩ;
+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh;
+ Bệnh binh;
+ Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
+ Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
+ Người có công giúp đỡ cách mạng.
- Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.