Có cơ chế giám sát việc sử dụng kinh phí công đoàn
Về bảo đảm hoạt động của Công đoàn, đại biểu Trần Kim Yến (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, các điều khoản trong dự thảo luật đã quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính. Đây là những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hoạt động của tổ chức Công đoàn.
Theo đại biểu, một số nội dung này trong dự thảo luật chưa bao quát hết nên phân chia rõ về tổ chức bộ máy Công đoàn và tài chính, tài sản Công đoàn.
Về cán bộ Công đoàn chuyên trách, đại biểu cho biết, có quy định cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương từ nguồn tài chính Công đoàn. Trong đó, cần quy định sự chủ động về biên chế, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách theo số lượng công đoàn cơ sở, đoàn viên công đoàn và khả năng chi trả lương từ nguồn tài chính công đoàn.
Đại biểu dẫn chứng, có Công đoàn cấp huyện quản lý hơn 2.000 Công đoàn cơ sở và gần 150.000 đoàn viên Công đoàn, nhưng chỉ có 13 cán bộ Công đoàn, thì sẽ rất khó cho hoạt động và chất lượng.
Đại biểu cho biết, dự thảo luật quy định với việc đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để phục vụ cho đoàn viên Công đoàn và người lao động. Đây là một nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Công đoàn.
Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chỉ ghi ngắn gọn như vậy trong dự thảo luật và không được cụ thể hóa chi tiết rõ ràng hơn, thì sẽ rất khó cho tổ chức Công đoàn khi triển khai thực hiện. “Như vậy nếu lúc làm sẽ phải đi xin các bộ, ngành làm kéo dài thời gian, chậm tiến độ thực hiện”, đại biểu nói.
Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, hiện nay, số lượng biên chế được giao cho Công đoàn ít, trong khi đoàn viên Công đoàn, viên chức, lao động liên tục tăng, các liên đoàn lao động tiếp tục phát triển. Như vậy, việc quản lý không đảm bảo, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nếu không bố trí thêm cán bộ Công đoàn chuyên trách.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật giữ quy định giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở.
Nói về quyền của đoàn viên Công đoàn, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, dự thảo chưa quy định về quyền của đoàn viên được hưởng các thiết chế văn hóa thể thao, hạ tầng kỹ thuật.
Đại biểu đề nghị bổ sung quyền này và viết theo hướng đoàn viên được hưởng chính sách chăm lo, phúc lợi, thuê nhà ở, các thiết chế văn hóa thể thao có liên quan.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) cũng chỉ rõ, nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn khác là cơ sở rất quan trọng để tổ chức cho hoạt động của công đoàn và xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn. “Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc thu 2% kinh phí này là hợp lý và đảm bảo được hoạt động của công đoàn một cách bền vững”.
Quan tâm đến quy định về quản lý và sử dụng tài chính công đoàn, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) bày tỏ tán thành việc không quy định cụ thể về phương án phân chia kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu quy định đảm bảo cơ chế để thực hiện nội dung này.
“Việc phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp cần quy định giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định như thực tiễn từ trước đến nay công đoàn vẫn đang làm nhiệm vụ này, đảm bảo tính linh hoạt trong công tác quản lý. Tùy theo nhiệm vụ của từng cấp công đoàn và tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp và đảm bảo được quyền tự quyết trong công việc nội bộ của công đoàn theo thông lệ quốc tế”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương và các đại biểu đề nghị rà soát thêm quy định “sau khi thống nhất với Chính phủ thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của công đoàn”.
Theo đại biểu, Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn hiện hành đang trao quyền tự chủ cho tổ chức công đoàn trên cơ sở vận dụng định mức, chế độ do Nhà nước quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý trong hệ thống tổ chức công đoàn để thực hiện. Báo cáo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tài chính công đoàn, báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cũng không thấy có vướng mắc gì về vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định phân quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc này.
“Để công tác tài chính của công đoàn được thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật trong triển khai thực hiện, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính công đoàn” - đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nói.
Sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật Công đoàn sửa đổi
Giải trình về những vấn đề cụ thể, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trên tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, trong đó đã quy định “nghiên cứu, đề xuất cơ chế giao biên chế cho công đoàn hợp lý, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế”, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền có sự quan tâm đặc biệt đối với lực lượng cán bộ công đoàn để đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động ngày càng hiệu quả, nhất là trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh trong hoạt động công đoàn.
Về kinh phí công đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, tuyệt đại đa số các đại biểu đồng tình với mức 2% và trong quá trình soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến có liên quan về kinh phí công đoàn. Kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo cho người lao động. Ông Nguyễn Đình Khang hoan nghênh trong thực tế, các chủ doanh nghiệp tại các doanh nghiệp có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi cho người lao động…
Ông Nguyễn Đình Khang cũng giải trình, giám sát của công đoàn là mang tính xã hội tại Điều 16 và giám sát của nhân dân được thể chế hóa từ Quy định 217 của Bộ Chính trị về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội; trong báo cáo cũng đã giải thích, giám sát theo Điều 10 Hiến pháp là giám sát mang tính quyền lực của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trân trọng tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp thu chỉnh sửa trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).