Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh theo Kế hoạch số 227/KH-UBND về phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025; Công văn số 1310/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm; Công văn số 1333/UBND-KT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, các đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai cấp bách một số nhiệm vụ. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời; chủ động phối hợp với Sở Y tế trong giám sát phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; thành lập đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương khi có ổ bệnh gia súc, gia cầm để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nghiêm khâu kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; ngăn chặn và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Đối với Sở Y tế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu thông tin kịp thời, chính xác về các trường hợp nghi nhiễm cúm trên người (nếu có); chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra ổ dịch, lấy mẫu giám sát, tổ chức điều trị cho bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm cúm gia cầm; tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng trong cộng đồng. Cùng đó là dự phòng đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hóa chất cần thiết phục vụ phòng, chống dịch bệnh; tổ chức trực phòng chống dịch 24/24 để kịp thời tiếp nhận thông tin chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ.
Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan, ban ngành, UBND cấp xã trên địa bàn củng cố lực lượng phản ứng nhanh tại cấp cơ sở, tập trung chỉ đạo phòng ngừa và khống chế dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả; khẩn trương kiểm tra, đôn đốc tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; yêu cầu cơ sở, người chăn nuôi chấp hành đăng ký chăn nuôi và khai báo dịch bệnh với UBND xã, phường, thị trấn; tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn gia cầm theo quy định.