Theo ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, tại khu vực phía Đông của Tháp Chính (thuộc cụm Tháp Bánh Ít) có một khối bê tông dày trên 20 cm, xuất hiện từ trước năm 1975 do Mỹ xây dựng cứ điểm tại đây. Để xây dựng hạng mục khuôn viên Tháp Chính theo thiết kế Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít, các đơn vị thi công đã dùng máy đào bóc mảng bê tông này lên. Trong quá trình thực hiện, các công nhân phát hiện một mảnh vỡ của tượng đá và giao nộp cho Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, khu vực cụm Tháp Bánh Ít còn nhiều công trình khác đã bị đổ xuống, chưa phát lộ và chưa được khai quật.
“Khi đào xuống nếu phát hiện ra hiện vật, vật kiến trúc phải dừng lại, mời các chuyên gia đến xem đó là cái gì, sau đó báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để khảo sát, xem xét. Nếu cần khai quật, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định ngay, còn nếu bài bản phải xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quyết định”, ông Hòa nói.
Mảnh vỡ của tượng đá hiện được cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định. Quá trình thu thập hình ảnh tại hiện trường thi công được biết, mảnh vỡ tượng đá này có chiều cao khoảng 40-50cm, chiều ngang khoảng 30cm, có hoa văn điêu khắc Chăm Pa và đã bị vỡ phần đầu (nhiều nghi vấn là tượng đá cổ, có giá trị văn hóa, lịch sử và tôn giáo).
Được biết, theo Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 31/12/2019 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, khi thi công tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa thì ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống. Hồ sơ phê duyệt phương án thi công dự án này cũng nêu rõ khu vực không dùng phương tiện cơ giới. Tuy nhiên, trên thực tế, Dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít ngay từ đầu đã sử dụng phương tiện cơ giới thi công khu vực không được phép, đến khi phát hiện hiện vật, đơn vị thi công vẫn không dừng lại.
Những ngày qua, phóng viên liên tục đến khu vực di tích Tháp Bánh Ít để ghi nhận thực tế hiện trường. Tuy nhiên, trước cổng di tích này đã treo bảng không đón du khách từ ngày 5/3 - 5/4/2022 để thi công. Bảo vệ tại đây cho biết họ không phải là người của Ban Quản lý di tích mà là nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thành Lộc (một trong 3 đơn vị đang thi công tại án này) đang thực hiện lệnh đóng cổng, dừng đón khách theo quy định.
Ngày 4/3, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định phát hiện, lập biên bản vụ việc thi công sai phương pháp và yêu cầu dừng thi công bằng cơ giới tại vị trí đã thỏa thuận. Biên bản của Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh nêu rõ: "Trong quá trình thi công, nhà thầu đã sử dụng máy đào để đào một khối bê tông ở phía Đông và san gạt sân phía trước cũng như khuôn viên của Tháp Chính. Trong khi đó, theo hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công phần công trình này phải bằng phương pháp thủ công và máy đầm đất bằng tay".
Vụ việc bị lập biên bản ngày 4/3, đến ngày 5/3 cổng di tích đã được đóng chặt và có người túc trực không cho khách tham quan, người dân cũng như phóng viên báo chí tiếp cận. Ngày 7/3, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định mới có Văn bản số 262/SVHTT-KHTC đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép tạm dừng đón khách để thi công, sửa chữa, chỉnh trang cơ sở hạ tầng cảnh quan tại di tích Tháp Bánh Ít. Điều này, theo nhiều người đã vi phạm điều 4 Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành ngày 31/12/2019 quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, việc tu bổ được thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích.
Chiều 10/3, phóng viên đã liên hệ với ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định để làm rõ những vấn đề nêu trên. Ông Chánh cho biết đang có buổi làm việc và xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, sau đó sẽ thông tin cụ thể cho báo chí trong thời gian sớm nhất.