Vào tháng Tám âm lịch hàng năm, đàn cò di cư từ biển vào đất liền để tránh bão và tránh rét. Đây cũng chính là mùa làm ăn của những người chuyên săn bắt cò ở tỉnh Hà Nam, trong đó xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng là một trong những địa phương "đi đầu". Theo chị Nguyễn Thị Bảy, xã Nhật Tân, từ nhiều ngày nay, mỗi ngày chị đều có một lồng cò từ 30 đến 50 con do gia đình bắt được, bán với giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/con.
Cũng giống như gia đình chị Bảy, ở xã Nhật Tân đang có hàng chục hộ rất "tích cực" săn bắt cò. Chỉ cần những cái que tre dài khoảng 40 phân, vót nhỏ hơn thân đũa, đầu dính một thứ keo là nhựa một loài cây ở trên rừng mà nhựa này được bán ở ngay xã Nhật Tân, rất dễ mua.
Cứ hai que tre thành một cặp, đem cắm ở bờ ruộng rồi dùng ít nhất 4 con cò khác để làm mồi. Hai con buộc chặt vào cọc giống như đang đậu trên bờ; hai con nữa cũng buộc vào cọc nhưng có dây giật buộc vào hai cánh. Khi thấy đàn cò xuất hiện trên trời, người săn sẽ giật dây làm hai cánh cò vẫy vẫy như cò đang sà xuống bờ ruộng kiếm ăn. Thấy vậy, đàn cò trên trời đồng loạt hạ cánh. Sắp đáp bờ, cánh của chúng lập tức bị dính vào keo ở đầu que mà có vùng vẫy thế nào chúng cũng không thoát được và những người thợ săn chỉ việc "thu hoạch" cò.
Những con cò sau khi bị bắt sẽ bị người đi săn chọc mù mắt, buộc chân rồi tống vào bao tải hoặc vào lồng. Chỉ khoảng nửa tháng săn cò, thu nhập hơn cả vụ cấy lúa.
Chợ cò tấp nập đầu cầu Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Ảnh: daidoanket.vn |
Biện minh về hành vi của mình, nhiều thợ săn cò ở xã Nhật Tân cho rằng, họ buộc phải làm vậy vì nếu không thì cò sẽ ăn hết lúa làm ảnh hưởng đến mùa màng, hơn nữa chim trên trời ai thích bắt thì bắt làm gì có chuyện bị ngăn cấm... Chính vì vậy nên ở xã Nhật Tân có hàng chục hộ thường xuyên làm công việc này.
Nhiều người săn cò cho biết, nếu những năm trước việc săn bắt cò dễ dàng bao nhiêu thì bây giờ dần khó khăn bấy nhiêu. Số lượng người săn bắt tăng lên thì đàn cò cũng đã giảm đi đáng kể, để bắt được cò họ phải đi đến những nơi xa hơn. Việc săn bắt cò không phải để bảo vệ mùa màng mà trở thành một công việc kiếm tiền.