Theo Công an thành phố Hà Nội, đối với địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Sóc Sơn... có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, Công an các đơn vị chủ động nắm tình hình, phối hợp với cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường triển khai các biện pháp ứng phó, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, kịp thời báo cáo đề xuất Công an thành phố tăng cường lực lượng, phương tiện khi cần thiết.
Công an các đơn vị chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nắm chắc địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, kịp thời ứng phó, phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng tình hình bão để vi phạm pháp luật như: đầu cơ, trục lợi, đẩy giá, buôn bán hàng giả, các vi phạm về môi trường và các tội phạm về xâm phạm sở hữu...; đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên toàn địa bàn thành phố.
Tại huyện Đông Anh - nơi có sông Cà Lồ, sông Hồng, sông Đuống chảy qua, sáng 10/9, các con sông trên đều có mực nước rất cao, mức báo động II. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, khi mực nước sông dâng cao, chính quyền sẽ yêu cầu toàn bộ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Huyện đã lên phương án cho nhiều tình huống mưa lũ xảy ra, chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cho biết thêm về việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Thượng tá Nguyễn Quang An, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh thông tin, đơn vị đã yêu cầu khoảng 200 Công an cấp xã, 800 đồng chí an ninh cơ sở ứng trực để kịp thời hỗ trợ người dân khi lũ các sông lên cao, cần phải di dời. Công an huyện đang cử các đội, tổ nghiệp vụ rà soát các hộ dân, cơ sở sản xuất… dọc 3 con sông trên địa bàn để nắm tình hình. Qua đó, tuyên truyền, kiểm tra việc sử dụng điện an toàn phòng, chống cháy nổ và tai nạn điện...
“Hiện, chúng tôi nhận thấy một số hộ gia đình, cơ sở sản xuất nằm ngoài bãi sông đề phòng mưa lớn hoặc lũ lên bất ngờ, người dân đã rút vào trong đồng để tránh nguy hiểm. “Vườn không nhà trống” là cơ hội cho tội phạm hành động. Để triệt phá âm mưu của tội phạm, Công an huyện đã chỉ đạo cảnh sát hình sự mật phục tại nhiều địa điểm, khu vực nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi trộm cắp, cướp giật…”, Thượng tá Nguyễn Quang An nhấn mạnh.
Tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), xác định có 12 xã, thị trấn ven sông Đáy, sông Bùi, sông Mỹ Hà có nguy cơ ngập úng, Thượng tá Giáp Thành Trung, Trưởng Công an huyện Mỹ Đức cho biết, nắm được nguy cơ trên, Công an huyện Mỹ Đức tập trung tối đa lực lượng, phối hợp các ngành, đoàn thể, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Tương tự, tại huyện Thạch Thất, Công an huyện đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ huy Công an huyện Thạch Thất cho biết, đơn vị đã phối hợp với các chính quyền địa phương tổ chức khuyến cáo để phòng, chống tội phạm trộm cắp trong mùa mưa bão.
Người dân cần gia cố lại cửa ra vào, cửa sổ, ban công các tầng, lắp khóa an toàn đối với các loại cổng, cửa; lắp các loại khóa chống trộm xe máy; để xe ở nơi có người trông giữ hoặc gửi vào các bãi gửi xe. Người dân không nên để các tài sản, giấy tờ có giá trị trong cốp xe…
Trên địa bàn huyện có nhiều sinh viên ngoại tỉnh đang sinh sống và học tập. Do đó, Công an huyện yêu cầu các chủ cơ sở cho thuê trọ cần quan tâm nhắc nhở, cảnh giác tội phạm trộm cắp cho người thuê nhà; đầu tư gia cố các loại cổng, cửa, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy. Nhờ đó, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn huyện những ngày mưa bão, lũ cơ bản được đảm bảo.
Đánh giá về việc vào cuộc của lực lượng Công an trong mưa bão, lũ, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, lực lượng Công an, quân đội đã tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, xung kích trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, sẵn sàng giúp dân khắc phục hậu quả sau cơn bão, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.