Tại Công văn hoả tốc số 2963/UBND-ĐT ban hành ngày 8/9/2024, lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với UBND các địa phương tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy trước mắt để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, tuyến phố chính. Sau đó sẽ triển khai tiếp tục công tác xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi củi gỗ. Công tác giải tỏa thực hiện xong trước ngày 12/9.
Đối với các cây cổ thụ, cây cần bảo tồn, quý hiếm có giá trị kinh tế cao sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá, có thể chống dựng tại chỗ. Trường hợp không thể chống dựng sẽ chuyển về vườn ươm của đơn vị để chăm sóc và trồng vào vị trí phù hợp. Công việc cũng được thực hiện xong trước ngày 12/9.
Đối với các cây bóng mát có đường kính nhỏ dưới 25 cm bị đổ, cần cắt tỉa tán hoặc cắt ngọn, giữ lại chiều cao cây từ 4-6 m để dựng và trồng lại cây. Đối với những cây đổ ra lòng đường, để đảm bảo giao thông, cần chuyển các cây sau khi cắt lên hè, để phục vụ công tác trồng lại cây xanh. Việc trồng lại cây xanh được thực hiện xong trước ngày 15/9.
Lãnh đạo TP Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Xây dựng thống nhất vị trí đào vỉa hè trồng và thay thế, bổ sung cây xanh đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị; thời gian phải xong trước ngày 30/9/2024.
Công tác thu hồi củi gỗ sẽ được bố trí tập kết về các địa điểm thuận lợi cho việc vận chuyển như: Vườn ươm Yên Sở, Vườn ươm Cổ Nhuế, bãi tập kết tại dốc La Pho và tập kết tạm tại Công viên Tuổi trẻ để đảm bảo tiến độ.
Chiều 8/9, Sở Xây dựng Hà Nội đã huy động 100% lực lượng, phương tiện giải tỏa cây gãy đổ do bão số 3, với khoảng 570 người, 80 xe máy các loại, 100 cưa máy và 100 cưa tay. Các đơn vị duy trì cây xanh đã huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện ra hiện trường để thu dọn trên 970 cây đổ, giải tỏa hơn 800 cành gãy...