Các ngành, các cấp liên quan tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến của thời tiết, đảm bảo độ tin cậy để các cấp, các ngành và nhân dân biết, chủ động ứng phó có hiệu quả. Các đơn vị cập nhật tình hình diễn biến của thời tiết, thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân, nhất là tại vùng sâu, vùng xa để chủ động các biện pháp phòng tránh. Bộ phận chuyên môn tổ chức kiểm tra, rà soát phương án ứng phó phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương; vận động người dân tự chằng chống nhà cửa, kiểm tra các cây cao gần nhà dễ đổ ngã... đảm bảo an toàn, ổn định trong suốt mùa mưa.
Trong cơn mưa thường xuất hiện các trạng thái thời tiết bất thường như dông lốc, sét đánh..., người dân cần tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa vật mang kim loại, không trú ẩn ở những nơi có tán cây lớn; chủ động kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, cống bọng, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn.
Theo ngành chức năng, hiện tại, vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25- 28 độ vĩ Bắc bị nén, đẩy dịch dần xuống phía Nam, ảnh hưởng tới thời tiết trong tỉnh Hậu Giang, khiến nắng nóng xuất hiện trên diện rộng. Tại một số nơi ở trung tâm thành phố, thị xã và trung tâm các huyện của tỉnh, nhiệt độ ngoài trời từ 35,5 độ C đến 37,5 độ C, thời gian nắng nóng từ 12 giờ đến 15 giờ, có khả năng xuất hiện bức xạ cực tím cao có hại cho sức khoẻ người tiếp xúc trực tiếp trong thời gian dài.
Từ ngày 8 - 11/4, Hậu Giang có xuất hiện mưa dông cục bộ, trong cơn dông kèm theo dông lốc, sét đánh nguy hiểm, độ ẩm không khí ở mức thấp, dao động từ 48- 65%; trưa và tối trời oi, nóng, ngột ngạt, khó chịu, lượng oxy hòa tan trong nước ở mức thấp và áp suất trong nước tăng không tốt cho nuôi trồng thủy sản.