Hỗ trợ vốn giúp người nghèo vươn lên
Nhiều năm qua, thị xã Giá Rai được đánh giá là địa phương có những cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, địa phương luôn quan tâm đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Qua đó, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, nhất là người dân có ý thức tự vươn lên thoát nghèo là chính, trên cơ sở sự hỗ trợ về chính sách, dự án của Nhà nước. Bên cạnh đó, thị xã còn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, vay vốn phát triển mô hình sản xuất.
Nhờ đó năm 2024, hàng chục gia đình trên địa bàn đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Điển hình là trường hợp của chị Đoàn Kiều Trang (Ấp 18, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai). Gia đình chị Trang thuộc diện hộ nghèo trong ấp. Năm 2021, chị được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; sau đó tiếp tục được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi. Có nhà ở kiên cố, thu nhập ổn định, gia đình chị không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn tích lũy.
Thông qua việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhiều cách làm hay đã được nhân rộng. Ông Trần Minh Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hằng năm, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện đều xây dựng và triển khai kế hoạch; đồng thời, phân công cụ thể từng thành viên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện ở các xã, thị trấn. Nhờ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời với nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả để hỗ trợ người dân vươn lên xây dựng đời sống, thoát nghèo bền vững. Cụ thể như các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với tổng nguồn vốn trên 3,6 tỷ đồng; được triển khai tại thị trấn Hòa Bình, các xã Minh Diệu, Vĩnh Mỹ A, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin… cũng được thực hiện hiệu quả. Huyện Hòa Bình luôn chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách… Đồng thời, huyện thực hiện tốt chính sách vay ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo với 2.799 lượt vay vốn.
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư vốn, hỗ trợ việc làm, các cấp, ngành của tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm xây dựng nhà ở cho hộ nghèo theo quan điểm “an cư mới lạc nghiệp”.
Tại huyện Phước Long, nhờ sự chung tay, góp sức của cộng đồng, năm 2024 đã có gần 100 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo. Chị Trương Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phước Long chia sẻ, Hội đã kết nối với các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xây 15 mái ấm tình thương cho cán bộ, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Tùy vào hoàn cảnh từng gia đình, mỗi căn nhà được hỗ trợ từ 40 - 50 triệu đồng. Qua đó tiếp thêm động lực, giúp chị em yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống; chung tay cùng địa phương trong công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội.
Giải pháp then chốt giảm nghèo nhanh, bền vững
Bà Lê Thanh Giang, Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạc Liêu cho biết, để đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu công tác giảm nghèo, cần có sự chủ động triển khai từ rất sớm. Do đó, tỉnh đã thực hiện đồng bộ ngay từ đầu năm 2024 các chính sách của Trung ương; đồng thời cụ thể hóa cho phù hợp với từng địa phương hỗ trợ người nghèo về tín dụng, y tế, giáo dục, sản xuất... Trong đó, trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ, công chức, các hội, đoàn thể phụ trách theo dõi địa bàn, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững.
Bạc Liêu đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền giảm nghèo sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Đồng thời, tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức thực hiện công tác này.
Với nhiều cách làm hiệu quả, năm 2024, công tác giảm nghèo của Bạc Liêu đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Đầu năm trên địa bàn tỉnh có gần 3.900 hộ nghèo; đến cuối năm đã giảm được trên 2.100 hộ nghèo, tương đương giảm từ 1,71% hộ nghèo xuống còn 0,71%.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, phần lớn những hộ thoát nghèo đời sống còn khó khăn. Vì vậy, địa phương cần quan tâm chăm lo, nhất là nâng cao thu nhập để người nghèo cải thiện cuộc sống.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả, tính bền vững trong công tác giảm nghèo, ông Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, thực hiện những chính sách hỗ trợ theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện hiệu quả. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, chú trọng tới việc tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, hạn chế tình trạng tái nghèo.
Bạc Liêu tiếp tục đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực trong xã hội, nhất là của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp cho công tác giảm nghèo; chú trọng truyền thông khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo… Tỉnh xem đây là giải pháp then chốt để giảm nghèo nhanh, bền vững.